Thống kê / Mô hình kinh tế

Nông dân khó chủ động thu hoạch lúa

Ngày đăng: 28/10/2015

Ông Võ Hường - Giám đốc HTXNN Vạn Long (huyện Vạn Ninh) cho biết, các HTXNN cánh bắc huyện Vạn Ninh đều khan hiếm máy gặt nên phải đi thuê nơi khác, kể cả ở tỉnh Phú Yên.

“HTX có nhu cầu mua máy gặt nhưng thiếu vốn.

Máy gặt của Nhật có ưu thế hơn máy Trung Quốc hay nội địa (gặt được ruộng sình, lún, lúa ngã, độ bền cao...) nhưng giá thành rất cao” - ông Hường nói.

Máy gặt hoạt động tại Suối Hiệp, huyện Diên Khánh

Không chỉ HTX mà nhiều nơi, nông dân cũng thiếu máy gặt.

Theo ông Nguyễn Mùi (Phước Tuy 2, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh), vào mùa gặt, nhất là vụ hè thu, lúa đổ ngã nhiều nhưng thiếu máy gặt dẫn đến thất thoát lớn, đẩy chi phí lên cao bởi phải thuê người gặt bộ.

Theo nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức độ cơ giới hóa thu hoạch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện đạt hơn 61%.

Hiện nay, Khánh Hòa có 329 máy gặt các loại, trong đó Vạn Ninh 45 chiếc, Ninh Hòa 139, Diên Khánh 83, Khánh Vĩnh 17; Cam Lâm 27, Cam Ranh 15, Khánh Sơn 3, Nha Trang không có chiếc nào.

Tuy mặt bằng chung không thiếu máy gặt, nhưng việc điều chuyển rất khó khăn.

Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thừa nhận, tình trạng thiếu máy gặt trong tỉnh gây khó khăn cho nông dân trong vụ thu hoạch.

Do trước đây máy gặt chủ yếu là hàng Trung Quốc hay liên doanh nên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, không tiếp tục được sử dụng.

Hiện nay, nông dân có khuynh hướng mua máy gặt Nhật, có độ bền nhưng giá thành quá cao.

Ngành Nông nghiệp hiện nay vẫn chưa biết làm thế nào để hỗ trợ các HTXNN mua sắm máy để chủ động khâu thu hoạch.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất mua máy móc, thiết bị trong 2 năm đầu, 50% năm thứ 3.

Tuy nhiên, theo nhiều người, việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập, thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà (phải bảo đảm các yêu cầu như: hóa đơn, chứng từ xác nhận nguồn gốc, xuất xứ máy móc, thiết bị; chứng minh được năng lực tài chính; có vốn đối ứng...) nên nông dân ít mặn mà.

Để giải quyết vướng mắc này, UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành Nông nghiệp và ngân hàng phối hợp để tìm cách tháo gỡ.

Có như vậy, vấn đề thiếu máy gặt mới được giải quyết, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch mới đi vào cuộc sống.


Có thể bạn quan tâm