Thống kê / Mô hình kinh tế

Nông Dân Huyện Điện Biên Chăm Sóc Lúa Mùa

Ngày đăng: 04/09/2014

Vụ mùa năm 2014, huyện Điện Biên gieo cấy 6.295ha; trong đó vùng lòng chảo là 4.121ha, các xã vùng ngoài 2.173,8ha.

Cơ cấu giống phần lớn là lúa thơm các loại (bắc thơm số 7, hương thơm số 1, T10) chiếm 50 – 55% diện tích; lúa lai 5 – 10% diện tích; các giống lúa khác (Khang dân, bao thai, nếp N97, IR 352) chiếm 20 – 25% diện tích; còn lại là giống IR 64.

Nhằm phấn đấu năng suất bình quân đạt 60 – 65 tạ/ha, ngay từ đầu vụ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn các xã chỉ đạo nông dân ưu tiên các giống lúa lai (TB28, DT39, PC15) đưa vào sản xuất; những giống lúa này có ưu điểm cho năng suất cao, dễ thâm canh, khả năng chống đổ, kháng sâu bệnh bạc lá, đạo ôn tốt.

Đồng thời khuyến cáo bà con bám sát đồng ruộng, căn cứ vào diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của cây lúa để điều chỉnh lượng nước, phân bón cho phù hợp.

Hiện nay, các trà lúa khu vực lòng chảo đang trong giai đoạn làm đòng trổ bông, còn một số xã vùng ngoài như: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của thời tiết nắng, mưa thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh.

Theo dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, một số tỉnh, thành phố của cả nước sẽ bị ảnh hưởng của các cơn bão, các đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa vừa và mưa to dẫn đến sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Đồng thời mưa ẩm cũng là điều kiện để các đối tượng sâu bệnh như: sâu cuốn lá, tập đoàn rầy, đạo ôn, bạc lá, đen lép hạt... phát triển mạnh, gây hại cho lúa mùa thời kỳ làm đòng, trỗ chín.

Hiện nay trên cánh đồng Mường Thanh, nông dân các xã lòng chảo đang tích cực phun phòng sâu bệnh hại lúa. Chị Lường Thị Pản, đội 8, xã Thanh Xương cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi gieo cấy 3.000m2, chủ yếu giống lúa bắc thơm số 7. Hiện nay diện tích ruộng nhà tôi đã xuất hiện sâu cuốn lá nên tôi đi mua thuốc Patox về phun.

Vừa pha thuốc vào bình phun, ông Nguyễn Văn Toàn, ở đội 3 xã Thanh Hưng vừa trò chuyện: Gia đình tôi có 8.000m2 lúa, hiện nay lúa đang trong giai đoạn trổ bông. Vụ mùa năm nay tình hình sâu bệnh đã giảm hơn so với vụ mùa năm 2013. Ruộng nhà tôi chưa thấy sâu cuốn lá nhưng đã xuất hiện bệnh bạc lá nên phải phun thuốc phòng trừ.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Điện Biên cho biết thêm: Để chuẩn bị tốt điều kiện phục vụ sản xuất vụ mùa 2014, huyện đã cung ứng trên 65 tấn lúa giống gồm: IR64, bắc thơm số 7 và lúa lai giúp nông dân chủ động tốt về giống.

Tuy nhiên, đợt mưa lũ cuối tháng 7 vừa qua, đã gây thiệt hại lúa ở các xã: Nà Tấu (30ha bị ngập úng), Mường Phăng (2,7ha bị cát vùi lấp), Thanh Yên (39ha bị ngập úng). Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã chỉ đạo nông dân các xã này tập trung gieo cấy toàn bộ giống lúa bao thai trên diện tích thiệt hại, bởi giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn các giống lúa khác.

Cơ quan chuyên môn huyện Điện Biên cũng khuyến cáo bà con nông dân: Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn làm đòng, nên xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại, bởi vậy không nên bón bất cứ loại phân nào, đặc biệt là phân đạm sẽ làm lá xanh đậm cuối vụ dễ phát sinh sâu bệnh; đồng thời cần điều tiết nước hợp lý để bông lúa thụ phấn tốt, tránh lép lửng.


Có thể bạn quan tâm