Thống kê / Mô hình kinh tế

Nông Dân Đang Rất Cần Được Đào Tạo Nghề Trồng, Khai Thác Cao Su

Ngày đăng: 27/02/2014

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 30.000 ha cao su, trong đó, hơn 7.000 ha đang trong giai đoạn khai thác mủ. Hiện nay, cây cao su được phát triển dưới nhiều hình thức, trong đó nông hộ chiếm một tỷ lệ lớn.

Thế nhưng, việc nhiều nông dân chưa được đào tạo kỹ thuật trồng và khai thác cây cao su đã dẫn đến năng suất mủ còn đạt thấp, tuổi thọ của cây không đảm bảo.

Đơn cử như gia đình ông Đào Văn Hồng ở thôn 10, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) có hơn 1500 cây cao su đang cho khai thác mủ năm thứ 3, nhưng lâu nay vẫn đang khai thác mủ dựa theo kinh nghiệm là chính.

Theo ông Hồng, nhiều hộ gia đình trồng cao su ở đây cũng tự mày mò cách mở miệng cây cao su nên hầu hết đều không thực hiện đúng kỹ thuật. Từ đó, vỏ tái sinh của cây cao su kém, bị sẹo, u lồi…, làm ảnh hưởng đến năng suất mủ về sau, khó có thể cạo lại được trên vỏ tái sinh.

Còn hộ gia đình anh Nguyễn Sỹ Hùng, ở thôn 3, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp), mặc dù đã trồng cây cao su hơn 5 năm nay, nhưng như anh cho biết thì từ việc trồng, bón phân, chăm sóc cho đến công đoạn khai thác mủ đều “học lỏm” từ hàng xóm.

Anh Hùng cho biết: “Gia đình tôi vẫn biết nếu bón phân, bôi thuốc kích thích… cho cây cao su không hợp lý, phù hợp, quá nhiều lần trong năm thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của cây. Nhưng không còn cách nào khác, gia đình đành phải thử nghiệm một ít diện tích để lấy kinh nghiệm. Hiện nay, gia đình có hơn 1000 cây cao su đang bước vào thời kỳ thu hoạch, nhưng tôi chỉ mới dám mở miệng cạo cho hơn 200 cây.

Số còn lại, gia đình dự tính sẽ thuê công nhân cạo mủ lành nghề từ các vùng khác để có thể đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong muốn được ngành chức năng, đoàn thể tổ chức dạy nghề trồng chăm sóc, khai thác mủ cao su một cách bài bản để có thể yên tâm sản xuất lâu dài, có hiệu quả cao”.

Có thể nói, tại các vùng trồng cao su tập trung, một số tổ chức đoàn thể cũng đã triển khai các hoạt động truyền dạy nghề trồng, chăm sóc, cạo mủ cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng thực tế cũng chưa nhiều. Vì vậy, hiện nay, phần lớn kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ cao su đang được nhiều gia đình làm trước “truyền miệng” lại cho những gia đình làm sau, chứ không phải thông qua trường lớp đào tạo nghề nào.

Qua tìm hiểu cho thấy, nhu cầu học nghề chăm sóc, khai thác mủ cao su của người dân là rất nhiều. Tuy nhiên, theo quy định của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) thì mỗi người dân chỉ được học một nghề, nên có nhiều gia đình khi phát triển đa canh, đa con đã không thể tham gia đầy đủ các lớp học.

Trong khi đó, việc trồng, khai thác cây cao su theo kinh nghiệm sẽ làm thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế. Vì vậy, việc các ngành chức năng, đoàn thể cần điều tra, rà soát nhu cầu của người dân để mở những lớp học nghề, trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ cao su là điều cần thiết để giúp nông dân sản xuất bền vững, hiệu quả hơn.


Có thể bạn quan tâm