Thống kê / Mô hình kinh tế

Ninh Thuận Đẩy Mạnh Khai Thác Thủy Sản Xa Bờ

Ngày đăng: 21/07/2014

Qua một thời gian tập trung nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm đẩy mạnh đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ, đến nay, triển vọng đối với ngành đánh bắt xa bờ tại Ninh Thuận đang có những khởi sắc.

Theo ông Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận, trong những năm gần đây, hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh Ninh Thuận đã nảy sinh một số khó khăn, bất cập như: nghề khai thác thủy hải sản phát triển tự phát, khó kiểm soát; chủ yếu là khai thác cá nổi, gần bờ với giá trị kinh tế thấp; khai thác xa bờ và những nghề khai thác cá có giá trị kinh tế cao còn khiêm tốn, chưa đóng góp tương xứng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Với những chính sách hỗ trợ của địa phương, ngư dân Ninh Thuận ngày càng mạnh dạn đầu tư cho những con tàu lớn hơn đủ sức vươn ra các vùng biển xa.

Trước thực trạng trên, tỉnh Ninh Thuận xác định, nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do ngư dân vẫn quen đánh bắt gần bờ, nhỏ lẻ theo lối truyền thống. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi từ ngành nghề đánh bắt gần bờ, đánh bắt các loài hải sản nhỏ, lẻ sang khai thác xa bờ, khai thác cá có giá trị kinh tế cao.

Trên cơ sở đó, ngành Thủy sản tỉnh Ninh Thuận đã tập trung tuyên truyền, động viên ngư dân thay đổi tập tục đánh bắt truyền thống theo lối đánh gần bờ, thủy hải sản nhỏ… để vươn ra khơi xa, đánh bắt những loài có giá trị cao hơn. Đặc biệt, đầu năm 2014, HĐND tỉnh Ninh Thuận đã thông qua Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản của tỉnh và ngay sau đó UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án này.

Mục tiêu của Đề án là nhằm tạo điều kiện giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát triển nghề khai thác, đánh bắt trên biển theo hướng vươn khơi ra các vùng biển xa với phương tiện, công nghệ hiện đại; từ bỏ lối đánh bắt truyền thống gần bờ, nhỏ lẻ.

Phó Chi cục trưởng Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận Đặng Văn Tín cho rằng, các nghề đánh bắt cá nhỏ lẻ ven biển phải bị hạn chế và tiến đến bỏ hẳn bởi đối tượng đánh bắt là các loài cá nhỏ.

Bởi, các đối tượng cá nhỏ này vừa là nguồn thủy sản có khả năng sinh trưởng và tái tạo đàn lớn; đồng thời là nguồn thức ăn của nhiều loài cá lớn như cá thu, cá ngừ... Nếu để kéo dài tình trạng đánh bắt các loài cá nhỏ này sẽ đồng nghĩa với việc nguồn thức ăn cho các loài cá lớn tại các ngư trường của tỉnh không còn, khi đó cá lớn sẽ không xuất hiện nữa.

Tuy nhiên, để ngư dân có điều kiện và thời gian thực hiện, chủ trương chung của tỉnh là phải đến cuối năm 2014 (tức sau gần 1 năm được phê duyệt), Đề án này mới có hiệu lực. Đây cũng là khoảng thời gian để ngư dân có đủ điều kiện chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Chính vì vậy, hiện nay, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận đang tập trung định hướng cho ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt ra vùng biển xa với những ngành nghề tương đồng, gần gũi như đánh bắt cá thu, cá ngừ, cá bạc má hoặc chuyển sang nghề lưới rê (lưới cảng), câu…

Đây là những ngành nghề đánh bắt có yếu tố kỹ thuật, tập quán đánh bắt tương đồng nhau, để ngư dân có thể chuyển đổi được.

Về điều kiện để ngư dân chuyển đổi, theo ông Tín, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình như: quan tâm đầu tư phát triển hệ thống bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho ngư dân theo Quyết định 68 của Chính phủ; thường xuyên tuyên truyền, đối thoại để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngư dân; mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng…

Đặc biệt sắp tới đây, Nghị định 77 về chính sách phát triển ngành nghề thủy sản mà Chính phủ vừa ban hành cũng sẽ được Ninh Thuận quan tâm thực hiện.

Riêng với gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng phát triển thủy sản mà Quốc hội đã thông qua, theo ông Đặng Văn Tín, đây là nguồn hỗ trợ khá lớn, kịp thời và nếu triển khai thực hiện tốt sẽ là cú hích lớn, tạo động lực cho ngành đánh bắt xa bờ phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn của địa phương là đặc thù của ngành đánh bắt xa bờ, vị trí, vai trò của thuyền trưởng, máy trưởng rất quan trọng, thậm chí là quyết định sự thành công của chuyến biển. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ này, Chính phủ cần có chiến lược đào tạo đội ngũ này cả trước mắt và lâu dài.


Có thể bạn quan tâm