Thống kê / Mô hình kinh tế

Nhiều Người Trồng Rừng Xen Trong Diện Tích Mì

Ngày đăng: 04/09/2014

Vụ hè thu năm nay, nông dân thị xã La Gi (Bình Thuận) đã xuống giống trên 1.020 ha mì. Những địa phương có nhiều người trồng mì là Tân An, Tân Phước, Tân Bình…

Anh Lê Văn Lục, ở khu phố 8, phường Tân An có diện tích mì 3 ha trồng ở bờ Nam sông Dinh cho biết: Do đất đai quá bạc màu, việc đầu tư trồng mì của nông dân mấy năm gần đây chi phí rất cao, 1 ha mì chi phí tiền công, giống, cày đất, thuốc diệt cỏ, thuốc sâu và nhất là phân bón cũng phải đến 30 triệu đồng.

Nếu mì trúng, 1 ha chừng 30 tấn tươi, bán với giá 1.500 – 1.800 đồng/ký tươi hoặc trên 4.500 đồng/ký khô mới mong có lãi, còn dưới mức ấy, may thì lấy công làm lời còn tệ hơn thì lỗ nặng.

La Gi tiếng là đô thị, nhưng kinh tế nông nghiệp, đặc biệt với cây mì chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Lượng mì khô ở thị xã mỗi năm xuất bán có vài chục nghìn tấn. Đây là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân.

Nhưng ngặt nỗi, đất đai ngày càng bạc màu, cây mì đầu tư cao nhưng cho năng suất thấp, giá cả lại luôn theo chiều hướng xấu. Bám mãi theo cây mì không lợi lộc gì, còn chuyển trồng cây lương thực khác cũng không hiệu quả.

Lựa chọn tốt nhất của bà con là trồng rừng bằng cây keo lai. Với chọn lựa này, hiện nay hàng trăm ha mì đã được bà con đưa cây keo vào trồng xen. Theo tính toán của bà con, keo lai phát triển nhanh, chỉ sau 5 năm là có thể thu hoạch. 1 ha keo, chăm sóc tốt sẽ bán có giá không dưới 50 - 60 triệu đồng.

Trồng keo chi phí đầu tư thấp, không lo sâu bệnh, đầu ra lại ổn định, càng kéo dài thời gian hiệu quả càng cao, lá keo rụng xuống lại cải tạo được đất, sau một mùa keo có thể lấy đất trồng lại cây lương thực.

Trong điều kiện diện tích rừng phủ xanh của thị xã không nhiều, đất đai bị xói lở, sông suối, ao hồ ngày càng cạn kiệt, thì giải pháp trồng rừng để vừa có thu nhập vừa cải tạo được đất của nông dân hiện nay là giải pháp tối ưu.


Có thể bạn quan tâm