Thống kê / Mô hình kinh tế

Nhiều khả năng thiếu nguồn cung cho xuất khẩu thủy sản

Ngày đăng: 12/05/2015

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản trong 4 tháng đầu năm 2015 giảm thấp. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 1,36 tỉ USD, giảm đến 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, ngoài việc giảm kim ngạch và sản lượng xuất khẩu, các mặt hàng thủy sản thả nuôi đang có dấu hiệu giảm sút diện tích, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm, điều này gây thiếu nguồn nguyên liệu tôm xuất khẩu. Dự kiến từ nay đến quý III/2015, với đà thu hẹp diện tích thả nuôi sẽ dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cho xuất khẩu.

Phân tích của ông Nguyễn Hoài Nam cho thấy, khi giá bán tôm xuất khẩu không tăng, trong khi giá nguyên liệu chăn nuôi không giảm đã khiến chi phí nuôi thả tăng cao. Từ chi phí cho nguồn cung cao này đã dẫn đến hàng thủy sản của Việt Nam luôn khó cạnh tranh được về giá so với các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác.

Mặt khác, trong một chuỗi sản xuất, từ doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn đến các hộ gia đình đều liên quan đến nguồn vốn tín dụng để trang trải cho quá trình thả nuôi.

Tuy nhiên hiện nay, người nuôi thủy sản thường chi phí chủ yếu cho thức ăn, đây đang là bài toán cần giải quyết bởi nếu vay được tiền ngay để cung cấp thức ăn cho nuôi tôm với mức rủi ro cao thường có mức lãi suất cao.

Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực về tài chính để không phải thế chấp, chỉ cần tín chấp cũng phải chịu mức tín dụng không phải là thấp.

Do đó, đại diện VASEP kiến nghị, ngoài việc doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa chi phí trung gian để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có sự điều chỉnh lãi suất các khoản vay ngắn hạn xuống mức 5% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bởi mức lãi suất 7-8% hiện nay vẫn còn khá cao.


Có thể bạn quan tâm