Thống kê / Mô hình kinh tế

Nhân Nuôi Ong Ký Sinh Diệt Sâu Tơ

Ngày đăng: 14/07/2012

Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là các loài ong ký sinh được chọn lọc khi thả ra trên đồng ruộng sẽ tìm và đẻ trứng trên các sâu non của loài sâu tơ. Khi trứng nở ra, sâu non của ong ký sinh sẽ tiêu diệt sâu tơ bằng cách ăn hết phần thịt sâu tơ để hoàn thiện vòng đời sống ký sinh của mình là làm nhộng rồi vũ hóa thành ong trưởng thành.

Từ 500 kén ong của 2 giống Diadegma semiclausum (Ds) và Diadronus collaris (Dc) nhập nội từ Mailaisia, Trung tâm nhân nuôi ong ký sinh (Chi cục BVTV Lâm Đồng) đã SX được hơn 103 ngàn kén ong Ds và 113 ngàn kén ong Dc để thả phát tán trên đồng ruộng. Qua đánh giá kết quả của ngành NN-PTNT tỉnh này thì giống ong Ds tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết các địa phương vùng rau Lâm Đồng, phát triển mạnh, có tác dụng tiêu diệt và hạn chế được sự phát triển của các lứa sâu tơ hại rau. Trong khi đó giống DC không tồn tại được do không thích nghi với môi trường.

Một báo cáo điều tra ở Đà Lạt cho thấy tỷ lệ ong ký sinh Ds trên đồng ruộng đạt từ 34,7 đến 43%, mật độ sâu tơ giảm từ 50-70% (tùy theo từng thời điểm trong năm) và đang tiếp tục giảm hàng năm. Với việc sử dụng ong ký sinh và các biện pháp sinh học khác như bẫy pheromone, bẫy bả chua ngọt, bẫy dính màu vàng… vào phòng trừ sâu hại rau, trong đó có loài sâu tơ cho các vùng SX rau an toàn thì hiện nay số lần phun thuốc trừ sâu tơ chỉ còn 3-4 lần/vụ, giảm từ 7-10 lần so với trước đây; chi phí đầu tư (chỉ riêng tiền mua thuốc và công phun) đã giảm từ 5-10 triệu đồng/ha/vụ mà năng suất và chất lượng rau vẫn đảm bảo.

Hiện nay qui trình nhân nuôi và sử dụng ong ký sinh phòng trừ sâu tơ hại rau họ thập tự đã được hoàn thiện và đang được áp dụng rộng rãI ở hầu hết các vùng SX rau của tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài việc nhân nuôi cho vùng rau an toàn tại Đà Lạt, Trung tâm nhân nuôi ong ký sinh Lâm Đồng còn thường xuyên cung cấp kén ong Ds, Dc, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sử dụng ong ký sinh để phòng trừ sâu tơ cho các câu lạc bộ sinh học, câu lạc bộ khuyến nông các huyện và một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất rau các tỉnh khác như Hưng Yên, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Nông Lâm TP. HCM v.v…để nhân rộng ra trên phạm vi toàn quốc.


Có thể bạn quan tâm