Thống kê / Mô hình kinh tế

Nguồn Cung Giống Dồi Dào, Còn Lo Dịch Bệnh Ở Bắc Giang

Ngày đăng: 07/03/2013

Gia đình anh Hoàng Văn Thái, bản Trại Sông, xã Canh Nậu (Yên Thế - Bắc Giang) nuôi gà thả vườn nhiều năm nay. Với cách nuôi gối lứa, nhà anh luôn duy trì từ 2.000 đến 4.000 con tùy theo thời điểm. Anh Thái cho biết: "Sau khi bán lứa gà thương phẩm vào giáp Tết Nguyên đán, tôi quét dọn vệ sinh sạch sẽ, phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu diệt mầm bệnh rồi để trống vườn khoảng 20 ngày. Vừa qua, tôi vào lứa gà mới với 2.000 con gà ri lai và mía lai".

Cũng theo anh Thái, thời điểm này, độ ẩm không khí tăng, nhất là vào những ngày mưa phùn nên gà dễ bị dịch bệnh. Hơn nữa, anh tính toán sau 4-5 tháng nuôi, gà sẽ xuất chuồng vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7, khi đó thời tiết nóng nực, nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm nên không vào đàn với số lượng lớn như dịp trước Tết. Cũng như anh Thái, ngoài cân đối lượng giống để vào đàn, anh Nguyễn Văn Quý, thôn Mò, xã Đồng Kỳ còn chú trọng mua gà giống bảo đảm chất lượng ở những cơ sở có uy tín. Theo anh Quý, khi vào đàn mới, gà được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh và nuôi cách ly với những đàn khác khoảng 15-20 ngày để theo dõi dịch bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các hộ ở Yên Thế tái đàn hơn 100.000 con gà, giảm mạnh so với dịp trước Tết. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, bà con đã nắm bắt được quy luật thị trường cũng như thời tiết vụ xuân - hè nên không tăng đàn ồ ạt.

Cùng với huyện Yên Thế, dịp này ở các huyện: Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Tân Yên… người dân cũng mua giống gia súc, gia cầm vào lứa mới. Tuy nhiên, số lượng giống tiêu thụ giảm khoảng 30% so với dịp trước Tết. Bà Ngô Thị Lý, thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho biết: "Thông thường vào mùa hè, thịt lợn tiêu thụ rất chậm, bởi vậy thời điểm này tôi chỉ mua 30 - 40 con lợn giống để nuôi, giảm 20 con/lứa so với những tháng cuối năm ngoái".

Do hầu hết các hộ dân giảm quy mô chăn nuôi nên hiện nay nguồn cung gà giống, lợn giống dồi dào, giá giảm 30 - 40% so với hai tháng trước, giá gà 6.000 đồng/con, ngan 12.000 - 14.000 đồng/con, lợn 37.000 đồng/kg.

Thực tế cho thấy vào lúc nông dân đồng loạt tái đàn vụ xuân - hè, dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trên diện rộng. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có khoảng 10 triệu con, lợn gần 1 triệu con. Thời điểm này, dịch bệnh ở đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào bởi thời tiết đang giao mùa, mầm bệnh dễ lây lan, nhất là ở ổ dịch cũ và đàn vật nuôi chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh".

Đáng lo ngại hơn, gần đây ở Cam-pu-chia có 8 người chết vì cúm gia cầm. Trong nước, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở ba tỉnh: Khánh Hòa, Kiên Giang, Điện Biên; dịch tai xanh xuất hiện ở tỉnh: Quảng Nam, Long An, Quảng Trị; dịch lở mồm long móng ở tỉnh Sơn La chưa qua 21 ngày. Trong khi đó, lợn, gà của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Hiện nay đang là mùa tái đàn, việc vận chuyển giống gia cầm nhập lậu có chiều hướng gia tăng.

Mới đây, tại cầu Cẩm Lý (Lục Nam), lực lượng chức năng bắt và tiêu hủy hơn 9.000 con gà giống nhập lậu. Những yếu tố đó đòi hỏi các ngành chuyên môn và người dân cần chú trọng công tác phòng, trừ dịch bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì thời điểm này các hộ dân cần tiếp tục khôi phục đàn lợn và gia cầm nhưng phải thận trọng, nhất là các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh những năm trước. Các hộ quan tâm rà soát tổng đàn, tiếp tục vào đàn mới với quy mô, cơ cấu phù hợp, không tái đàn ồ ạt, tránh tình trạng nguồn cung gà, lợn dư thừa trong vài tháng tới làm giảm hiệu quả kinh tế.

Đồng thời áp dụng đầy đủ các biện pháp tổng hợp về phòng, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành. Mua giống vật nuôi ở cơ sở có uy tín, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, tuyệt đối không mua giống không rõ nguồn gốc; phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, giữ cho nền chuồng khô, sạch sẽ, thoáng mát, bổ sung dinh dưỡng, vi-ta-min tổng hợp vào khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi để tăng sức đề kháng. Người chăn nuôi giám sát chặt chẽ dịch bệnh, nếu phát hiện gia súc, gia cầm bị mắc bệnh báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền cơ sở, phải tuân thủ quy định xử lý của cơ quan thú y.

Để hạn chế thiệt hại vì dịch bệnh, UBND tỉnh và các huyện đã trích ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí mua 100 nghìn liều vắc-xin tai xanh và dịch tả lợn tiêm phòng cho đàn lợn nái và đực giống trong tháng 3. Trước đó, tỉnh đã hỗ trợ người chăn nuôi ở 10 huyện, thành phố tiêm xong hơn 1,4 triệu liều cúm gia cầm. Các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm khác, Chi cục Thú y đã dự trữ đầy đủ phục vụ đợt tiêm phòng.

Phòng bệnh cúm gia cầm (Theo tài liệu Thú y):

Người chăn nuôi cần tiêm phòng bằng vắc-xin H5N1 cho gà và vịt. Gà 2 - 5 tuần tuổi tiêm 0,3 ml/con, trên 5 tuần tiêm 0,5 ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc lại một lần. Vịt 2 - 5 tuần tuổi tiêm 0,5 ml/con, sau 28 ngày tiêm nhắc 1 ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần. Hằng ngày, tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia cầm để tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần bằng các loại thuốc thông dụng như nhóm aldehyde (formol, glutaraldehyd), phenol, các phức hợp chứa Iodine, các loại hóa chất gây ôxy hóa (sodium dodecyl sulfate).

Ngoài ra, các hộ giám sát phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, gia cầm chết đột ngột đều phải được lấy mẫu xét nghiệm. Ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi, chim và gia cầm hoang dã, đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan... Tiêu huỷ toàn đàn bị cúm gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.


Có thể bạn quan tâm