Thống kê / Mô hình kinh tế

Nâng cao thu nhập nhờ nuôi ốc bươu đen lấy trứng tại Hậu Giang

Tác giả: Ngọc Diệp
Ngày đăng: 22/06/2021

Điển hình là mô hình của anh Phạm Hoàng Nghiêm, ấp 9a2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Anh Nghiêm đã tận dụng ao vườn nuôi ốc bươu đen vớt trứng bán, tăng thu nhập cho gia đình.

Với diện tích 1.250 m2, anh Nghiêm bắt đầu nuôi ốc bươu đen từ giữa năm 2020. Do trước khi nuôi anh đã tìm hiểu rất kỹ đặc tính của con ốc bươu đen và mua nguồn giống chất lượng. Mới đầu anh đã đầu tư khoảng 5 triệu đồng tiền giống ốc với 5 kg ốc giống thả thử nghiệm. Anh tiến hành cho ấp trứng trong thau nhựa, sau 15 ngày trứng nở thì thả ốc xuống ao, quan sát thấy ốc sinh trưởng rất tốt.

Từ lúc thả ốc giống đến khoảng 6 tháng sau thì ốc trưởng thành và có khả năng sinh sản và sinh sản liên tục. Lúc đầu, anh Nghiêm vớt trứng ốc lên để ấp, sau đó thả nuôi tiếp tục và bắt ốc lớn bán thương phẩm. Đầu năm 2021, anh Nghiêm bán ốc thương phẩm với giá 50.000 – 60.000/kg. Sau khi liên tục thả giống nhận thấy ốc càng lúc càng nhiều, ốc trưởng thành và liên tục đẻ trứng, anh đã không bán ốc thương phẩm nữa mà giữ ốc lớn lại để đẻ trứng và chuyển sang cung cấp trứng. Với giá từ 1.000.000 đồng/kg. Mỗi ngày anh vớt được 700 – 800 g trứng. 2 tháng gần đây, mỗi tháng thu nhập của gia đình anh Nghiêm từ 20.000.000 đồng – 25.000.000 đồng. Số ốc giống của tôi được thương lái bao tiêu toàn bộ.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc, anh Nghiêm cho biết: Tuy ốc bươu đen dễ nuôi nhưng phải theo dõi nguồn nước, thay nước liên tục theo từng giai đoạn của ốc. Nguồn thức ăn chủ yếu anh cho ốc ăn là trái mít, mướp,… Tận dụng nguồn mít hư không bán được của các hộ xung quanh về làm thức ăn cho ốc và các loại nông sản sẵn trong vườn nhà nên hầu như anh Nghiêm không tốn chi phí cho thức ăn cho ốc.

Theo ông Huỳnh Phúc Kha, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, mô hình nuôi ốc bươu đen hiện đang phát triển mạnh tại huyện Vị Thủy đem lại thu nhập cao cho người dân. Mô hình có thể tận dụng diện tích đất nông hộ, vốn đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc, hiệu quả ổn định.

Đây là mô hình mới tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho hộ gia đình đồng thời góp phần cho việc phát triển nông nghiệp ở địa phương.


Có thể bạn quan tâm