Thống kê / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Giun Quế Ở Bình Liêu

Ngày đăng: 23/04/2012

Trong những hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Liêu (Quảng Ninh), mô hình nuôi giun quế do huyện Đoàn triển khai được đánh giá là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giải quyết được nhu cầu về nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, vừa làm sạch môi trường...

Từ đầu tháng 3-2012, Huyện Đoàn Bình Liêu, được sự chỉ đạo của Tỉnh Đoàn và sự hỗ trợ của Trung tâm Khoa học - Công nghệ tỉnh, đã triển khai mô hình nuôi giun quế tới các xã, thôn, bản trên địa bàn huyện. Sau đợt tập huấn kỹ càng, Huyện Đoàn cùng với bà con nông dân ở các xã đã xây dựng được hơn 50 mô hình nuôi giun quế. Mỗi mô hình có từ 5 - 10 khay giun; sau bốn tuần lễ, mỗi khay giun cho thu hoạch từ 1 - 1,5 kg. Giun quế là loại thức ăn giàu đạm, là nguồn protein rẻ tiền cho gia súc và gia cầm. Trọng lượng của một con giun quế chiếm đến 70% chất đạm nên nó là nguồn thức ăn tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Hơn nữa, phân giun cũng được xem là loại phân bón cao cấp cho cây trồng và cho việc xử lý ao nuôi thuỷ sản. Thức ăn chủ yếu của giun là phân của gia súc, gia cầm. Một năm mỗi con giun đẻ được 1.000 trứng và giun trưởng thành nặng khoảng 0,3 gam. Trứng giun bắt đầu nở từ tuần thứ hai và đẻ rộ lên sau khoảng ba đến bốn tháng nuôi. Anh Hoàng Kiên Trung, Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu, nói với chúng tôi: “Với lợi thế là địa bàn vùng núi chuyên chăn thả gia súc, gia cầm, có thể nói, mô hình nuôi giun quế đã tìm được nơi thích hợp để phát triển. Mô hình này vừa tạo ra nguồn thức ăn cho vật nuôi, vừa làm sạch đường thôn, ngõ xóm. Đấy cũng là xây dựng nông thôn mới...”.

Đi cùng Bí thư Đoàn xã Vô Ngại, một trong những xã thí điểm xây dựng mô hình nuôi giun quế, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đinh Văn Tằng ở thôn Pắc Chi. Và tôi để ý thấy không giống như ở vùng thấp, gia đình anh Đinh Văn Tằng cũng như những gia đình khác ở miền núi cao này có cách nuôi giun quế hơi khác. Bà con ở đây nuôi giun bằng những cái khay được róc ra từ tre rồi đóng đinh lại với nhau thành những ô vuông có kích thước từ 1m - 1,5m chứ không làm chuồng hay hố nuôi giun bằng xi măng. Anh Tằng chia sẻ: “Nuôi giun quế đầu tư vừa rẻ, vừa đơn giản lại có nhiều lợi ích. Khoẻ re cô ạ. Ở đây là miền núi, tre nứa nhiều nên làm chuồng nuôi không mất tiền. Phân trâu, bò làm thức ăn cho giun thì ở Bình Liêu vốn thừa thãi không biết làm gì… Mỗi tháng cho giun ăn chỉ một lần thôi, nhưng hàng tuần phải kiểm tra độ sinh trưởng của chúng thật cẩn thận…”.

Anh Tằng còn cho biết thêm, từ khi gia đình anh bắt đầu triển khai nuôi giun quế, không ít người chăn nuôi tôm, cá đã đến “đặt vấn đề” hợp đồng thu mua sản phẩm...

Nhìn những khay giun, với vô số giun con màu hồng nhạt đang độ phát triển tốt tại gia đình anh Tằng, thấy thật thích. Chợt hiểu vì sao khi trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu Hoàng Kiên Trung lại phấn khởi đến thế. Anh bảo: “Tới đây, nếu mô hình mang lại hiệu quả cao thì chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra nữa”.

Mô hình nuôi giun quế đã tìm được nơi thích hợp để phát triển. Mô hình này vừa tạo ra nguồn thức ăn cho vật nuôi, vừa làm sạch đường thôn, ngõ xóm. Đấy cũng là xây dựng nông thôn mới...

Có thể bạn quan tâm