Thống kê / Mô hình kinh tế

Mít Thái Siêu Sớm Cho Lợi Nhuận Cao Ở Hậu Giang

Ngày đăng: 15/05/2012

Thời gian qua, nhà vườn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) rầm rộ phát triển diện tích vườn cây ăn trái, từ đó nhiều nông sản của người dân tiêu thụ gặp không ít khó khăn, thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, đối với một số nhà vườn ở xã Đông Phước A thì ngược lại, đã chọn trồng và làm giàu từ cây mít Thái.

Len lỏi theo tuyến lộ giao thông nông thôn thuộc kênh Cái Đôi, ở ấp Đông Lợi, hỏi nhà ông Nguyễn Văn Biểu thì ai cũng biết đến với cái tên “ông Mười Mít”. Bởi, ông được xem là người khởi nghiệp và vươn lên làm giàu từ cây mít Thái giống siêu sớm.

Năm 2004, ông mạnh dạn phá bỏ 2 ha vườn mận chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm. Vài năm đầu, do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, nên năng suất mang lại không cao. Ông Biểu tâm sự: “Đối với cây mít Thái giống siêu sớm rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên trái nhiều là để, nên cây bị xuống sức. Mặt khác, thị trường chưa biết đến, nên chủ yếu là tiêu thụ cho bạn hàng nhỏ lẻ, đôi lúc gia đình định phá bỏ chuyển sang trồng cây khác, nhưng vì thiếu vốn đầu tư, vả lại nếu phá bỏ thì cũng mất đi một vài năm. Thế là tôi giữ lại, và 3 năm trở lại đây, vườn mít đã mang về lợi nhuận cho gia đình trên 600 triệu đồng mỗi năm”.

Sở dĩ được gọi là mít Thái giống siêu sớm là vì từ khi trồng đến khoảng 8 tháng là cho trái và sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch, trọng lượng mỗi trái từ 5 - 15 kg, tùy kỹ thuật chăm sóc. Nhiều nhà vườn nơi đây cho biết, hiện tại mít có giá trung bình 17.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với thời điểm này của năm trước. Nếu vẫn giữ ở mức giá này thì cây mít sẽ cho lợi nhuận hấp dẫn. Gia đình ông Đoàn Văn Công, ở cùng ấp Đông Lợi, chỉ với 1ha, trồng 1.000 cây mít Thái được 3 năm tuổi hiện đang cho trái, cứ 5 ngày bán 1 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 600 kg, giá bán 18.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông còn lợi nhuận gần 50 triệu đồng/tháng.

Hiện, toàn huyện Châu Thành có 60 ha trồng mít Thái giống siêu sớm, tập trung nhiều ở xã Đông Phước A, đây là mô hình mới còn mang tính tự phát, chưa có kế hoạch cụ thể để nhân rộng diện tích của ngành chuyên môn. Tuy mang lại hiệu quả cho nhà vườn, nhưng trong khâu sản xuất còn chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường và dịch bệnh. Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, mít Thái giống siêu sớm đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều bà con vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trong khâu sản xuất đối với loại trái cây này còn gặp nhiều dịch bệnh như xì mủ, xơ đen làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng mà ngành chuyên môn vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Hiện tại, ngành đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn theo dõi dịch bệnh để giúp người dân phòng trị. Trong tương lai, muốn phát triển bền vững loại mít này, đòi hỏi sự liên kết giữa các ngành có liên quan chặt chẽ hơn nữa, nhất là kiểm soát được dịch bệnh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm