Thống kê / Mô hình kinh tế

Mía tím bí đầu ra

Ngày đăng: 08/05/2015

Khác với mọi năm, đến nay tuy đã quá vụ thu hoạch chừng hơn 2 tháng, song nhiều ruộng mía tím ở các xã trên địa bàn huyện vùng cao Tân Lạc (Hòa Bình) vẫn chưa xuất bán được, vì ít thương lái hỏi mua.

Ngồi trong chiếc lều bán mía được dựng tạm ở cạnh Quốc lộ 6, anh Bùi Văn Mịch ở xóm Lồ, xã Phong Phú (Tân Lạc) vừa trò chuyện với chúng tôi vừa hướng ánh mắt ra đường hy vọng có người vào mua mía.

Không nén được nỗi buồn, anh Mịch chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 3.000m2 trồng mía, năm trước bán giá 7.000 - 8.000đ/cây, thu được khoảng 30 triệu đồng.

Năm nay, không biết vì sao mía tiêu thụ chậm lắm, giá lại thấp, chỉ ở mức 4.000 - 5.000đ/cây mà cũng rất ít người hỏi. Nhà tôi gần đường còn chặt bán cho khách qua lại, chứ nhiều nhà ở sâu trong xóm đang lo không biết bán mía cho ai?”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ mía năm 2014, diện tích trồng mía của huyện Tân Lạc vào khoảng 1890ha các loại. Trong đó riêng diện tích mía tím là trên 1.200ha, còn lại là diện tích mía trắng, mía đường.

Mía tím trồng tập trung ở một số xã như Phong Phú, Mỹ Hòa, Phú Vinh… Giá mía năm nay khá thất thường, thời điểm trước tết từ 6.000 - 7.000đ/cây, nhưng sau tết giá mía lại giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 1.500 - 2.000đ/cây, nhưng lượng thương lái thu mua cũng không nhiều.

Chị Đinh Thị Nhà, ở xã Phú Vinh cho biết, do giá thấp quá nên nhiều hộ vẫn chưa muốn bán, nhưng cây mía không thể để lâu quá được vì sẽ bị xốp, giảm lượng đường. Vì vậy, trước mắt người trồng mía ở Tân Lạc chỉ trông chờ vào thương lái với hy vọng thu được vốn đầu tư.

Thực tế cho thấy, vụ mía năm nay không chỉ ở Tân Lạc mà tại nhiều địa phương khác ở tỉnh Hòa Bình như Cao Phong, Lạc Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi…, việc tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn. Có lẽ, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, do trước đây mía tim được giá, nên người dân đua nhau mở rộng diện tích, dẫn đến thực trạng trên.


Có thể bạn quan tâm