Thống kê / Mô hình kinh tế

Loay hoay phát triển vành đai rau an toàn

Ngày đăng: 09/10/2015

 Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các vùng rau của huyện phát triển vẫn ở dạng tự phát, chưa hình thành vùng chuyên canh rau an toàn (RAT) quy mô lớn.

Vùng trồng rau xanh xã Thư Phú diện tích hơn 70ha, trong đó có 52ha đã được thành phố công nhận là vùng sản xuất an toàn.

Trước nhu cầu rau sạch trên thị trường ngày càng tăng cao, người trồng rau nơi đây đã tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và trình độ thâm canh để sản xuất RAT, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

. Theo chị Văn Thị Hương, thôn Vĩnh Lộc, hiệu quả kinh tế từ trồng màu cao hơn nhiều so với cấy lúa. Cụ thể, một sào lúa, nếu được mùa, cũng chỉ cho thu nhập khoảng 1,3 triệu đồng/vụ, nhưng nếu trồng rau màu có thể thu nhập 20 - 30 triệu đồng.

Chị Hương cho biết thêm, nhận thấy hiệu quả, một số gia đình ở Thư Phú chọn trồng các loại rau, dưa ngắn ngày, ít vốn đầu tư, dễ tiêu thụ như: bắp cải, cải ngọt, rau mùi, xà lách…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Văn Phú - Nguyễn Thị Tuyết cho biết, việc đưa cây mướp hương và một số loại rau củ, quả giá trị cao vào trồng thực sự đã có bước chuyển biến và mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Cũng giống nhiều địa phương khác, muốn phát triển bền vững, sản xuất RAT ở Thư Phú gặp không ít khó khăn như chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu nên người dân tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, giá bán luôn bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường nên khó tránh khỏi tình trạng "được mùa rớt giá". Đây là nguyên nhân không khuyến khích được người dân mở rộng và đầu tư sản xuất.

Mặt khác, trong canh tác còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nên vào mùa mưa, nhiều diện tích vùng trũng không tiêu thoát được nước, dẫn đến úng ngập, rau màu bị mất trắng.

Ông Lương Xuân Tiệc - Chủ tịch UBND xã Thư Phú cho biết, tình trạng rau màu bị ngập úng trong mùa mưa diễn ra nhiều năm nay.

Xã đã ưu tiên cho việc phát triển vùng RAT, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương nội đồng khó khăn.

Tìm hiểu tình hình, huyện Thường Tín có 2 vùng rau được thành phố phê duyệt đầu tư hạ tầng, xây dựng vùng RAT tập trung từ năm 2012 ở Thư Phú và Tân Minh.

Dự kiến tổng mức đầu tư cho vùng RAT xã Tân Minh được phê duyệt năm 2012 khoảng 40 tỷ đồng (không kể chi phí giải phóng mặt bằng), trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ các hạng mục đầu tư như đường bê tông nội đồng, hệ thống tưới, tiêu nước, hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất, hệ thống thu gom phế liệu và xử lý môi trường, nhưng không vượt quá định mức 250 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, ngân sách huyện và xã huy động đóng góp của nông dân vùng dự án để thực hiện.

Trên diện tích nghiên cứu 49,6ha đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển vùng sản xuất RAT sẽ cải tạo, nâng cấp khoảng 4km giao thông trục chính nội đồng, xây dựng hệ thống điện, cấp thoát nước…

Phục vụ sản xuất. Tương tự, xã Thư Phú với kinh phí hơn 50 tỷ đồng cũng kỳ vọng với dự án RAT sẽ làm thay đổi diện mạo, hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững.

Thế nhưng, đến nay sau 3 năm được chấp thuận đầu tư vẫn "án binh bất động" do thiếu vốn và hiện nay vẫn dừng ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư...

Có thể nói, việc đầu tư dự án phát triển vùng sản xuất RAT tại xã Tân Minh và Thư Phú sẽ tạo điều kiện cho các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng rau sạch, an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của huyện Thường Tín và TP Hà Nội, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ, nâng cao giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp.

Song, từ khi phê duyệt đến nay, dự án vẫn chưa triển khai.

Nếu dự án triển khai đúng tiến độ, chắc chắn cây rau của người dân địa phương phát huy hiệu quả hơn, mang lại đời sống sung túc cho người dân.


Có thể bạn quan tâm