Thống kê / Mô hình kinh tế

Khuyến Khích Đóng Tàu Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá

Ngày đăng: 31/01/2015

Một số địa phương cho biết số lượng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được quy hoạch là quá ít so với năng lực đánh bắt thủy hải sản.

Chuyển cá từ tàu đánh bắt sang tàu hậu cần
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu quan điểm của Bộ NN&PTNT là khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không chỉ trong giới hạn quy hoạch số lượng loại tàu này từ nay tới năm 2020 đã được phân bổ cho địa phương.
Hiện nay, số lượng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được quy hoạch là quá ít so với năng lực đánh bắt thủy hải sản.
Chẳng hạn, Bến Tre hiện có khoảng 1.750 tàu đánh bắt xa bờ nhưng số tàu dịch vụ hậu cần chỉ vẻn vẹn 12 chiếc. Theo chỉ tiêu về tàu dịch vụ hậu cần nghề cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT giao cho Bến Tre đóng 5 chiếc nữa nhưng số này cũng không đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ đánh bắt của ngư dân.
UBND tỉnh Bến Tre và một số địa phương khác vùng ĐBSCL đã có văn bản kiến nghị đến Bộ NN&PTNT xem xét tăng chỉ tiêu hay hoán đổi linh hoạt số lượng tàu dịch vụ hậu cần.
Trước yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không liên quan đến đánh bắt, khai thác hải sản nên vẫn khuyến khích bà con, doanh nghiệp đầu tư, còn tàu đánh bắt xa bờ thì phải phát triển đúng quy hoạch để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng đánh bắt thủy sản theo mục tiêu quy định là 2,2 triệu tấn/năm, trong đó đánh bắt gần bờ là 0,8 triệu tấn, còn đánh bắt xa bờ là 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng thực tế đã nhỉnh hơn con số này, đồng thời sản lượng đánh bắt gần bờ đang có xu hướng tăng lên. Do đó, cơ quan quản lý khuyến khích đánh bắt xa bờ và quan trọng hơn là phải tăng chất lượng hải sản bằng việc bảo quản và đưa về ngay đất liền nhờ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Cũng để phục vụ cho đánh bắt xa bờ, Bộ NN&PTNT đã quy hoạch đội tàu đánh bắt xa bờ tới năm 2020 gồm 2.097 tàu và 205 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, với ý kiến trên của ông Vũ Văn Tám, số lượng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có thể sẽ tăng so với quy hoạch.
Việc ngư dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp vay vốn đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép sẽ được hưởng nhiều lợi ích cao nhất từ Nghị định 67.
Ví dụ về tín dụng, chủ tàu được vay tới 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 1%/năm (được Nhà nước cấp bù lãi suất 6%/năm), trong thời gian 11 năm; được vay vốn lưu động tới 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần cho mỗi chuyến đi biển; được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn bảo hiểm thuyền viên và từ 70 - 90% bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ...
Được biết tới nay đã có hợp đồng tín dụng đóng hai tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được thực hiện giữa ngân hàng nông nghiệp với Công ty cổ phần Thủy sản Lý Sơn, Quảng Ngãi.


Có thể bạn quan tâm