Thống kê / Trồng lúa

Khuyến cáo lịch thời vụ và các biện pháp canh tác vụ lúa Hè Thu năm 2019

Tác giả: Ngọc Thơ - Quốc Việt
Ngày đăng: 14/06/2019

Đến nay Sóc Trăng đã thu hoạch được 107.362 ha lúa Đông Xuân 2018-2019, đạt 54,6% diện tích gieo trồng trên toàn tỉnh. Tại một số nơi sản xuất lúa 2 vụ thì đây là thời điểm thích hợp để bà con cách ly mầm bệnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ và vệ sinh đồng ruộng, chờ nguồn nước mưa để gieo sạ vụ lúa Hè Thu. Để đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế cho vụ Hè Thu, bà con nông dân cần lưu ý gieo sạ theo lịch thời vụ khuyến cáo và áp dụng các biện pháp kĩ thuật của ngành chuyên môn.

Cày ải phơi đất để giải độc phèn cho vụ lúa Hè Thu.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, năm 2019 nắng nóng duy trì trong tháng 4 và có thể kéo dài sang tháng 5/2019. Mùa mưa khả năng sẽ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Trong mùa khô năm 2018-2019 mực nước sông Cửu Long xuống dần ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m. Xâm nhập mặn vùng cửa sông khả năng xuất hiện sớm hơn so với năm 2017- 2018. Do đó năm nay việc cấp nước cho sản xuất trong mùa khô sẽ gặp khó khăn.

Kiểm tra độ mặn trong ruộng lúa.

Tình hình thời tiết, thủy văn vẫn đang diễn biến bất thường, vì vậy thời vụ lúa Hè Thu 2019 cần tập trung vào tháng 5 để hạn chế rủi ro do ảnh hưởng khô hạn và nước mặn xâm nhập. Cần chú ý tình hình rầy nâu di trú vì trong điều kiện hạn, mặn đồng lúa thiếu nước sẽ là điều kiện cho rầy nâu phát triển. Để tạo sự khởi đầu tốt đẹp cho cả vụ lúa, bà con cần gieo sạ đồng loạt, tập trung và né rầy theo lịch khuyến cáo. Đồng thời không xuống giống quá sớm để tránh mặn và các đợt khô hạn kéo dài sẽ không đủ nguồn nước tưới.

Bà Vương Bích Vân, Trưởng phòng trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trong vụ Hè Thu 2018-2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng Lịch khuyến cáo xuống giống lúa Hè Thu chia làm 3 đợt. Đợt thứ nhất là vào cuối tháng 4/2019 (chiếm khoảng 15% diện tích trong toàn tỉnh), chủ yếu ở các vùng chủ động được nguồn nước ( Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm và một phần của huyện Thạnh Trị). Đợt thứ 2, tập trung xuống giống trong tháng 5/2019 (chiếm khoảng trên 75% diện tích toàn tỉnh). Đợt thứ 3, kết thúc gieo sạ trong tháng 6/2019 (ở các vùng không chủ động được nguồn nước như Trần Đề, TP. Sóc Trăng, Mỹ Xuyên và một phần của huyện Thạnh Trị). Tùy theo điều kiện của địa phương và lịch rầy nâu di trú, các cơ quan chức năng của từng địa phương sẽ xây dựng lịch xuống giống cụ thể. Vì vậy bà con nông dân cần theo dõi lịch xuống giống cụ thể của từng địa phương để xuống giống theo đúng lịch khuyến cáo với phương châm “tập trung, đồng loạt, né rầy”.

Các biện pháp kĩ thuật canh tác lúa Hè Thu năm 2019

Ở huyện Mỹ Tú, hiện xã Phú Mỹ đã xuống giống được trên 2.500 ha lúa hè thu sớm. Ngay từ đầu vụ sản xuất, cán bộ khuyến nông tại địa phương đã hướng dẫn bà con nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao, tích trữ nước ngọt để có đủ nước chăm sóc lúa giai đoạn đầu vụ. Đối với các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới, bà con không nên xuống giống hè thu sớm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ ít nhất từ 15 ngày đến 20 ngày, làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất, diệt lúa rài, lúa chét, rửa phèn và mặn.  

Ông Thạch Thanh Hùng, Cán bộ kĩ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, khuyến cáo: “Bà con nông dân nên cách ly giữa 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu là 3 tuần để ngăn sâu, bệnh lây lan từ vụ trước sang vụ sau. Bà con cần dọn sạch cỏ, tàn dư thực vật, nếu có điều kiện nên cày ải phơi đất, đánh rãnh để giải độc phèn, tăng tầng canh tác của đất, bộ rễ cây lúa phát triển nhiều hơn, giúp cây lúa phát triển trong vụ hè thu được tốt”.

Bà con nông dân cũng đã biết áp dụng giải pháp “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, “tưới ngập khô xen kẽ”, “công nghệ sinh thái”… các quy trình sản xuất theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả.

Nông dân Châu Mô Ni, ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú chia sẻ kinh nghiệm để vụ lúa Hè Thu đạt năng suất cao: "Chọn giống và bón phân cân đối, không bón nhiều phân đạm vì sẽ làm cho lúa dễ bị bệnh đạo ôn. Phải làm đất thật kĩ để giải độc phèn".

Một số dịch hại và biện pháp phòng trừ

Đầu vụ Hè thu thời tiết thường xảy ra nắng nóng và khô hạn, do đó bà con nông dân cần lưu ý một số dịch hại chủ yếu và biện pháp phòng trị như sau: 

Ngộ độc phèn 

Do lượng mưa ít và phân bố không đều vào đầu vụ Hè Thu, nắng hạn kéo dài lại không chủ động nguồn nước tưới bổ sung, làm cho các tầng đất chứa vật liệu sinh phèn dễ bị oxy hóa dẫn đến hiện tượng xì phèn thông qua các kẻ nứt và các mạch mao quản trong đất. Bà con nên cày phơi đất để cắt đứt mao quản dẫn sắt, nhôm từ lớp dưới lên tầng mặt. Không cày quá sâu vì sẽ đưa tầng phèn lên lớp mặt. Đào mương xổ phèn sâu từ 20 đến 30 cm tùy theo tầng phèn. Bón lân và vôi để nâng PH lên nhằm cố định các ion sắt, nhôm không cho chúng gây độc cho lúa.

Ngộ độc hữu cơ 

Ở những vùng lúa 3 vụ, sản xuất liên tục nên rơm rạ của vụ trước bị vùi trong đất chưa phân hủy  hết. Trong điều kiện yếm khí, rơm rạ chưa hoại mục tiết ra các chất độc gây hại cho lúa vụ sau. Cần cày, xới phơi đất từ 7 ngày đến 15 ngày giúp rơm rạ phân hủy tốt tạo nên chất hữu cơ góp phần cung cấp dinh dưỡng cho lúa. Sử dụng nấm Trichoderma phun rơm rạ trước khi làm đất để diệt nấm bệnh đẩy nhanh quá trình phân hủy của rơm rạ , bón lót lân từ 200-400kg/ha.

Đất nhiễm mặn

Tiến hành xới trục đất, đưa nước ngọt vào ngâm đất để hòa tan muối sau đó tháo bỏ nước trong ruộng và cho nước mới vào. Tùy vào độ mặn của đất có thể thực hiện ngâm tháo nước nhiều lần. Đối với vùng khó quản lý nước thì áp dụng bón vôi từ 200 kg đến 500kg/ha.

Thăm đồng thường xuyên để phát hiện và điều trị sâu, bệnh cho lúa kịp thời.

Bọ trĩ (bù lạch)

Bọ trĩ còn gọi là bù lạch thường gây hại nặng trên những ruộng lúa thiếu nước, chủ yếu ở giai đoạn mạ. Triệu chứng gây hại của bọ trĩ dễ nhận biết trên đồng ruộng. Khi lá lúa non mới bị bọ trĩ gây hại thường để lại nhiều điểm trắng nhỏ nhưng khi bị nặng thì chóp lá có hiện tượng khô vàng và cuốn quăn lại, dần dần khô cả lá. Để chủ động ngăn ngừa loại côn trùng chích hút này, cần chú ý giữ mực nước ổn định trong ruộng lúa, bón phân cân đối. Khi bọ trĩ nhân cao mật số cần điều tra số lượng thiên địch trước khi quyết định xử lý thuốc. Sau đó bón thêm urea giúp cây hồi phục nhanh. Ngoài ra bà con cần lưu ý thêm một số đối tượng dịch hại như: ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu./.


Có thể bạn quan tâm