Thống kê / Mô hình kinh tế

Khó quản lý giống cây trồng

Ngày đăng: 10/11/2015

Hàng chục năm qua, cơ sở cây giống Bình Cang (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) là nơi cung cấp giống cây trồng có chất lượng tốt cho nhiều địa phương trong tỉnh.

Ông Trương Văn Thấp - chủ cơ sở cho biết, nguồn cây giống, nhất là giống cây ăn quả được cơ sở lấy từ những đơn vị sản xuất có uy tín ở phía nam như: Cái Mơn, Chợ Lách... (tỉnh Bến Tre).

Các đơn vị này sản xuất từ cây đầu dòng có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm dịch, cấp phép.

Hiện nay, cơ sở xuất bán mỗi đợt hàng ngàn cây đủ chủng loại như: bưởi da xanh, mít nghệ cao sản, sầu riêng, chanh không hạt, chanh có hạt, mận An Phước, cam mật, quýt đường, vú sữa Lò Rèn, dừa xiêm lùn...

Cơ sở sản xuất keo lai của ông Văn Đình Bình (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) cũng là cơ sở có uy tín, được Chi cục Lâm nghiệp kiểm tra, công nhận; giống gốc lấy từ cây đầu dòng (cây giâm mô) của Công ty Giống lâm nghiệp Nam Bộ.

Mỗi năm cơ sở nhập 25.000 cây keo giâm hom, sản xuất 0,7 triệu cây keo lai.

Ông Bình cho biết: “Giống lúa sản xuất tại chỗ có giá thành rẻ hơn, đồng thời tạo được việc làm cho lao động địa phương”.

Bên cạnh những cơ sở uy tín vẫn còn không ít nơi bán cây giống trôi nổi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có nhiều điểm bán cây giống không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, trên địa bàn huyện xuất hiện hàng chục cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, trong đó có 5 cơ sở bán giống cây ăn quả và 19 cơ sở bán giống cây lâm nghiệp.

Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Giống cây trồng, chức năng của phòng chỉ là kiểm tra, nhắc nhở, việc xử lý thuộc về Thanh tra Sở.

“Cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nông dân trồng một thời gian sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng như: Thanh tra Sở, Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, có hướng xử lý”, ông Thuận nói.

Ông Lê Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT thừa nhận: “Nhà vườn tự ý chiết ghép, sản xuất các loại cây giống không có nguồn gốc, xuất xứ rồi bán cho người có nhu cầu.

Nhà nước không cấm nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn”.

Theo ông Dũng, biết là có tình trạng thật giả lẫn lộn nhưng cơ quan chức năng khó kiểm tra, phát hiện bởi không đủ bằng chứng.

Về mặt quản lý, huyện vẫn có đủ thẩm quyền xử lý nếu phát hiện có vi phạm và khung xử lý được quy định tại Nghị định 114/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Để quản lý có hiệu quả, theo ông Dũng, tỉnh cần có chỉ đạo phát triển loại hình này theo hướng liên kết.

Nhiều nhà vườn có thể liên kết lại với nhau hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã hay làng nghề nhằm nâng cao năng lực về vốn, kỹ thuật, tay nghề, tạo điều kiện phát huy thực lực của mỗi cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của ngành chức năng.


Có thể bạn quan tâm