Thống kê / Mô hình kinh tế

Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm Giống Lúa Chịu Mặn Ở Thái Bình

Ngày đăng: 29/05/2013

Sáng ngày 28/5, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Thái Bình phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID, UBND xã Nam Cường tổ chức hội thảo đánh giá mô hình thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải.

Đây là mô hình thuộc Dự án “Phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cải thiện nước sạch và vệ sinh bền vững tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình” do Tổ chức Cứu trợ nhân đạo Mercy Relief tài trợ. Mô hình được Liên hiệp Các hội KH&KT Thái Bình triển khai thực hiện vào vụ xuân 2013 trên quy mô hơn 4 ha thuộc diện tích đất nông nghiệp của 34 hộ nông dân tại khu Tám mẫu, thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường. Bộ giống lúa khảo nghiệm gồm 5 giống trong đó có 3 giống lúa thuần chịu mặn là M4, M12, M15; 1 giống lúa lai chịu mặn ZZD001 và 1 giống lúa thuần đối chứng TBR45.

Nhìn chung, các giống lúa khảo nghiệm đều có khả năng chống đổ tốt, không bị nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn, khả năng nhiễm rầy nâu thấp. Về khả năng chịu mặn, các giống M4, M15, TBR45, ZZD001 sinh trưởng phát triển bình thường nên khả năng chịu mặn tốt hơn giống M12 có biểu hiện vàng lá ở giai đoạn lúa chắc xanh. Về năng suất, giống cho năng suất thấp nhất là giống M4 (đạt 57,6 tạ/ha), giống cho năng suất cao nhất là giống TBR45 và M12 (đạt khoảng 72,9 - 75,7 tạ/ha).

Kết quả thử nghiệm cho thấy giống M15 và TBR45 là những giống có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh tốt. Tuy nhiên, do chưa có số liệu cụ thể về độ mặn của đất nên chưa thể đánh giá đúng khả năng chịu mặn của giống, vì vậy để có kết luận chính xác về tiềm năng và khả năng chống chịu của từng giống cần phải tiến hành khảo nghiệm ở vụ sau và ở nhiều vùng sinh thái khác.


Có thể bạn quan tâm