Thống kê / Mô hình kinh tế

Hoài Hương đã về đích

Ngày đăng: 13/11/2015

5 năm qua, xã Hoài Hương đã đầu tư trên 60 tỉ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong đó, vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ trên 20,3 tỉ đồng, ngân sách huyện trên 2 tỉ đồng, ngân sách xã trên 5,6 tỉ đồng, nhân dân đóng góp gần 7,5 tỉ đồng, vốn lồng ghép từ các dự án, công trình 37 tỉ đồng.

Xã đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu di dân vùng sạt lở Bàu Hồ; đúc bê tông đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng đến vùng sản xuất lúa tập trung thôn Phú An; xây dựng công trình kè chống xói lở Thạnh Xuân Đông, Thạnh Xuân; xây dựng cụm công nghiệp Gò Cây Da rộng12 ha…, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH tại địa phương.

Ông Trần Tấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương, cho biết: Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, xã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xem đây là khâu cốt lõi quyết định đến sự thành công của Chương trình XDNTM ở địa phương.

Trong các năm qua, xã đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp toàn diện; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất có hiệu quả...

Nhờ vậy, trong năm 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn xã đạt 1.783 tấn, tăng 466 tấn so với năm 2010.

Với đặc thù là một xã ven biển, toàn xã hiện có 606 tàu cá với tổng công suất 220 ngàn CV; ngư dân trên địa bàn xã đã đầu tư cải hoán, nâng công suất tàu cá để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản trong năm nay ước đạt 17.850 tấn, tăng 4.800 tấn so với năm 2010.

Bên cạnh việc phát triển nông, lâm, thủy sản là chủ yếu, những năm gần đây, xã Hoài Hương đã tập trung phát triển CN-TTCN, thương mại và dịch vụ.

Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 10 cơ sở may công nghiệp, 2 cơ sở đan mây tre, 5 cơ sở sản xuất lưỡi câu, 6 cơ sở mua bán ngư lưới cụ…, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.

Giá trị sản xuất TTCN, thương mại, dịch vụ của xã năm 2015 đạt gần 80 tỉ đồng.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 34 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,85%.

Các lĩnh vực KT-XH đều phát triển khá toàn diện, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Nói về kinh nghiệm XDNTM tại địa phương, ông Trần Tấn Thuận, cho biết:

Thành công trong Chương trình XDNTM của xã là sự thống nhất về quan điểm, ý chí, sự quyết tâm của lãnh đạo xã, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, hội đoàn thể cùng sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp, các ngành chức năng.

Xã cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người dân cùng tham gia XDNTM.

Đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia của nhân dân; bà con đã nỗ lực chung tay, góp sức XDNTM ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện XDNTM, xã công khai rộng rãi các nội dung về quy hoạch, kế hoạch, giải pháp thực hiện hàng năm để nhân dân biết, nhân dân bàn và nhân dân cùng thực hiện.

UBND xã đã kịp thời biểu dương các mô hình sản xuất hiệu quả, các điển hình tiên tiến, có sáng kiến, kinh nghiệm hay về XDNTM...


Có thể bạn quan tâm