Thống kê / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Rắn Hổ Hèo Ở Xã Hồ Đắc Kiện (Sóc Trăng)

Ngày đăng: 13/03/2014

Thời gian qua cùng với mô hình phát triển vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, nông dân xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) còn mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình

Hộ anh Nguyễn Văn Dũng ở ấp Đắc Thế được biết đến với mô hình nuôi rắn hổ hèo hiệu quả. Lúc đầu anh mua 5 con rắn giống ở Tây Ninh về nuôi, qua thời gian chăm sóc thấy rắn hổ hèo có giá trị kinh tế cao lại ít bị bệnh, nên khi được vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành 10 triệu đồng anh đã đầu tư thêm chuồng trại và mua thêm rắn giống về nuôi. Hiện đàn rắn của anh có 30 con.

Trong đó 9 con lớn có trọng lượng hơn 1,5 kg, ngoài ra anh còn đang dưỡng một số rắn nhỏ và ấp trứng rắn để bán. Anh Dũng cho biết hiện nay rắn hổ hèo loại đại nặng 1,7 kg 1 con có giá 500.000 đồng/kg, loại 1,2 kg 1 con từ 380.000 - 400.000 đồng/kg. Trứng rắn là 120.000 đồng/trứng và rắn con cũng có giá 160.000 đồng/con.

“Về kỹ thuật nuôi rắn hổ hèo không khó, xây chuồng khoảng 8 tấc đến 1 thước để vệ sinh chuồng trại dễ dàng, thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, nhái, vịt con. Bình quân thu nhập 1 năm của gia đình tôi từ rắn khoảng 40 triệu đồng”, anh Dũng cho hay.

Với loại rắn này ngoài giá trị làm thuốc chữa bệnh hay bồi dưỡng sức khỏe, còn là vật nuôi có giá trị kinh tế, đem lại nguồn thu nhập cao. Thấy mô hình của anh Dũng hiệu quả nên anh Lê Tuấn Em cũng ở ấp Đắc Thế, đã mua 5 con rắn giống về nuôi với giá 250.000 đồng/con và được anh Dũng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhờ đó mà hiện nay đàn rắn của anh đã phát triển lên 39 con. Trong đó có 15 con rắn nái, mỗi con nặng khoảng 1,5 kg và 24 con rắn nhỏ, bước đầu thu nhập được trên 14 triệu đồng.

Anh Tuấn Em cho biết rắn từ khi ấp trứng đến trở thành rắn đại có trọng lượng 1,5 kg trở lên phải nuôi khoảng 1 năm, trứng rắn ấp nở từ 72-75 ngày, một con rắn nái có thể đẻ 12 trứng. Rắn hổ hèo rất dễ nuôi, để vệ sinh chuồng trại anh thường thay đất để giữ vệ sinh cho rắn. Anh Tuấn Em cho biết: “Mô hình nuôi rắn này rất hiệu quả, do đó cũng mong địa phương hỗ trợ cho tôi thêm vốn để tăng thêm nguồn thu nhập gia đình, vì rắn này rất dễ nuôi, không cần thuốc men để trị bệnh”.

Ông Lê Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Nguồn vốn đầu tiên về phía Hội cho hộ anh Dũng vay, từ đó đã phát huy hiệu quả. Sau đó hội cũng nhân rộng ra để phát triển thêm cho các hội viên khác. Qua đánh giá ban đầu thấy mô hình này rất hiệu quả”.

Rắn hổ hèo ở miền Đông gọi là rắn Long Thừa, ở miền Trung gọi là ráo trâu, còn miền Bắc là hổ trâu; là loại rắn lành, thịt ngon, bổ dưỡng, nên nhu cầu tiêu thụ loài rắn này khá lớn, chuồng trại nuôi rắn không chiếm nhiều diện tích.

Là loài ăn tạp thức ăn chủ yếu là ếch, nhái, chuột nên rất dễ nuôi; đây là mô hình khá hấp dẫn, cho hiệu quả cao, nếu được địa phương và ngành nông nghiệp quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật sẽ là điều kiện rất tốt để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống.


Có thể bạn quan tâm