Thống kê / Mô hình kinh tế

Giá Mủ Cao Su Rớt Dần, Xuất Bán Chậm

Ngày đăng: 27/06/2013

Cao su đã vào mùa cạo mủ được khoảng 1,5 tháng thì giá mủ rớt dần khiến những chủ vườn ở Tánh Linh, Đức Linh còn ngại ngần, chưa  cạo. 

Tánh Linh chỉ cạo hơn 50% diện tích

Thời điểm này, đi qua các vùng Gia Huynh, Suối Kiết, Gia An (Tánh Linh), những nơi có diện tích cao su vào mùa thu hoạch lớn đã thấy sự rộn ràng nhưng không phấn khởi. Tâm lý chung của các chủ vườn là bán mủ được giá của ngày nào thì hay giá ấy, vì giá mủ cao su đang trên đà xuống dốc.

Đầu vụ khai thác ước chừng 20-25 ngày, giá 1 tấn mủ nước đứng ở 450.000 đồng, sau đó xuống 420.000 đồng rồi 400.000 đồng và bây giờ còn 380.000 đồng…Với mức giá này, những vườn có ưu thế như gần nhà, thuê ít nhân công đã tính toán khai thác đầu vụ còn có lợi chút ít.

Nhưng nếu giá rớt xuống 300.000 đồng/tấn mủ nước thì những vườn trên có nguồn thu về không đủ trả chi phí. Trong khi đó, chủ của những vườn đã cho thu hoạch nhưng ở xa, thuê nhiều nhân công đã xác định từ đầu vụ không cạo mủ vì thu không đủ chi thì với mức giá trên càng không hy vọng sẽ mở miệng vào thời điểm dự định.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Tánh Linh, hiện Tánh Linh có 19.576 ha, trong đó có 11.000 ha cao su đang trong thời kỳ thu hoạch, tập trung ở Gia Huynh, Suối Kiết, Gia An. So  năm 2012, diện tích trong thời kỳ thu hoạch trên tăng 2.400 ha. Tuy nhiên, ước tính chỉ có hơn 50% diện tích trên được cạo mủ và hầu hết đều là những vườn cây vào kỳ rộ khai thác, được chăm sóc đầy đủ nên lượng mủ nhiều. Với mức giá trên, chủ vườn tính toán cạo mủ mới có lời…

Một cơ sở thu mua mủ cao su ở Gia Huynh cho biết, ở xã này chủ yếu trồng cao su và cây ăn trái nên vào vụ khai thác mủ, hầu hết nhà vườn đều đi cạo. Cộng thêm nhiều vườn cao su có cây lớn nên sản lượng mủ mà cơ sở mua nhiều hơn năm trước.

Vay vốn trả lương công nhân

Ít hơn Tánh Linh, Đức Linh có hơn 12.000 ha cao su, trong đó 7.320 ha đang vào kỳ thu hoạch với phần lớn diện tích đã thu vào năm thứ 3-4. Vì vậy, phần lớn dân ở đây đều đi vào vụ khai thác. Các điểm, cơ sở, công ty mua mủ cao su trên địa bàn đều mở cửa nhưng tốc độ tiêu thụ không nhanh.

Ngay Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, nơi mua mủ, chế biến lớn cũng không ngoại lệ. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, từ đầu vụ đến nay, công ty đã mua và chế biến được 1.200 tấn sản phẩm.

Hiện công ty đang tồn kho gần 1.000 tấn mủ cao su thành phẩm. Trong bối cảnh giá xuất bán thấp, chỉ 47 triệu đồng/tấn mủ thành phẩm, tiêu thụ chậm công ty chọn giải pháp vay vốn ngân hàng trả lương cho công nhân. Đây là chuyện bình thường để xử lý tình huống khi sản phẩm tiêu thụ chậm, giá cả thấp. Dự đoán, tình hình trên còn kéo dài, giá mủ còn thấp nữa, thấp hơn so mấy năm trước nên đời sống công nhân sẽ khó khăn. 

Ở góc độ khác, vào tháng 3/2013, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần cao su Thắng Lợi - Bình Thuận đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su nguyên liệu và cao su tái sinh tại xã Trà Tân, huyện Đức Linh. Nhà máy có tổng diện tích khoảng 12 ha, nằm xa khu dân cư thuộc khu đất trồng cao su của Trại giam Xuân Lộc - Tổng cục VIII - Bộ Công an.

Đây là tin vui, nhất là trong lúc này. Vì việc có thêm nhà máy chế biến có thể thúc đẩy tiêu thụ mủ nước, góp phần nào trong hạn chế sự thiệt hại do biến động giá…


Có thể bạn quan tâm