Thống kê / Mô hình kinh tế

Gạo Campuchia cảnh báo thành hiện thực

Ngày đăng: 17/09/2015

Theo thông tin mới nhất, 7 tháng đầu năm 2015, Campuchia đã xuất khẩu 312.300 tấn gạo, so về con số tuyệt đối thì chỉ bằng 1/10 gạo Việt Nam, nhưng tăng trưởng tới 53% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.

Việt Nam đã tham gia cuộc chơi này từ hơn 20 năm trước, đứng trên đỉnh cao nhất, nhì trong các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới, còn Campuchia chỉ mới chập chững bước vào cuộc chơi khoảng 5 năm trở lại đây. Dù vậy, gạo Campuchia đã nhanh chân “chạy” tới hơn 50 quốc gia trên thế giới, bán sang cả nhưng thị trường khó tính như Mỹ, EU (hiện EU chiếm 60% lượng gạo xuất khẩu của Campuchia).

Trong khi đó, gạo Việt Nam chỉ loanh quanh trong khoảng 10 thị trường chính, nhưng quốc gia có thu nhập trung bình và thấp thuộc châu Á, châu Phi.

Campuchia luôn tranh thủ mọi cơ hội có thể để quảng bá gạo của mình, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế. Tại Hội chợ Thương mại lương thực tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) năm 2014, Campuchia đã trình làng 8 thương hiệu gạo.

Đặc biệt, 2014 là năm thứ 3 liên tiếp, gạo lài Campuchia (Phka Romdoul) được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo của riêng mình, luôn “lặn mất tăm” trong các hoạt động tiếp thị, quảng bá.

Điều đáng nói hơn, gạo Campuchia luôn có giá cao hơn gạo Việt Nam. Minh chứng là trên trang oryza.com, ngày 10/9/2015, giá gạo trắng hạt dài, chất lượng cao, 5% tấm của Việt Nam 320- 330 USD/tấn, còn gạo Campuchia 420- 430 USD/tấn; giá gạo trắng hạt dài, chất lượng thấp, 25% tấm Việt Nam 315- 325 USD/tấn, gạo Campuchia 405- 415 USD/tấn; gạo Việt Nam Jasmine 450- 460 USD/tấn, gạo Campuchia Phka Mails 830- 840 USD/tấn; gạo 100% tấm Việt Nam chỉ có 310- 320 USD/tấn, gạo Campuchia Al Super 355- 365 USD/tấn... Tuy lượng gạo xuất khẩu thấp nhưng giá trị thu về rất đáng nể phục.

Điểm qua vài con số “biết nói” đó để thấy gạo Việt Nam đang bị đối thủ gạo Campuchia lấn lướt như thế nào. Trước đây, gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ, Pakistan đã qua mặt từ lâu. Chẳng lẽ Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp vẫn “bình chân như vại”...

Giáo sư Võ Tòng Xuân từng nói: Việt Nam cần học cách làm gạo của Campuchia. Song, học cái gì, học như thế nào, là điều không dễ.    


Có thể bạn quan tâm