Thống kê / Mô hình kinh tế

Gần 1.000 ha mì bị thối củ và cháy lá vi khuẩn

Ngày đăng: 31/08/2015

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, đến nay toàn huyện phát hiện gần 1.000 ha mì bị bệnh thối củ và cháy lá vi khuẩn.

Bệnh thối củ mì xảy ra nhiều nhất ở xã Tân Hưng, với diện tích trên 400 ha, tỷ lệ từ 5 - 10%. Có nhiều chỗ có 1 - 2 ha bị nhiễm gần như 100%, nông dân hoàn toàn không thể thu hoạch.

Biểu hiện bệnh hại thường thấy trên củ mì là nấm gây thành vết nâu có hình dạng không cố định; nơi bị bệnh thối mềm, tiết ra chất dịch có mùi hôi. Trên bề mặt vết bệnh có khi sinh lớp tơ nấm màu trắng, sau chuyển thành màu đen.

Ngoài ra vi khuẩn còn có thể tấn công lên cả thân cây, làm cho thân cây chuyển sang màu nâu đen và cây mềm nhũn.

Bệnh cháy lá vi khuẩn xuất hiện trên mì ở giai đoạn từ 2 tháng sau trồng đến giai đoạn mì chuẩn bị thu hoạch. Vết bệnh trên phiến lá lúc đầu là những đốm nhỏ màu xanh xám, có góc cạnh. Về sau vết bệnh lớn dần lên, chuyển màu nâu, chung quanh có viền vàng, làm cháy 1 mảng lá, lá mềm nhũn rủ xuống. Cây bị nặng, lá héo rủ cành và có khi cả cây bị chết.

Ông Nguyễn Hữu Phong – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tân Châu cho biết, một số cách để phòng trừ có hiệu quả cao đối với các bệnh này như: xử lý đất để cắt nguồn bệnh; vệ sinh vườn, thu gom tàn dư cây bệnh đem đi tiêu hủy; sử dụng giống sạch bệnh và có khả năng kháng bệnh; Xử lý hạt giống, hom giống trước khi trồng hoặc vận chuyển đi nơi khác.

Bên cạnh đó, nông dân cần thường xuyên thăm đồng và phun phòng bệnh bằng các loại thuốc có gốc đồng để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn; bón phân cân đối, hợp lý, không bón quá nhiều đạm; khi cây mì vừa xuất hiện bệnh, cần phun các thuốc đặc trị như Kasugamycin, Cuprous Oxide...

Tân Châu là huyện có diện tích trồng mì rất lớn, chỉ tính đến tháng 6.2015 toàn huyện đã xuống giống gần 10.000 ha.

Trước tình hình dịch bệnh tấn công rải rác ở hầu hết các xã trên địa bàn trong huyện, , nguy cơ nông dân “trắng tay” là điều có thể xảy ra.


Có thể bạn quan tâm