Thống kê / Tin nông nghiệp

Duy Xuyên mạnh tay chuyển đổi lúa sang cây trồng cạn

Tác giả: Đoàn Hồng – Văn Thành
Ngày đăng: 30/06/2016

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Trưởng ban Nông nghiệp xã Duy Sơn cho biết, cánh đồng Deo tại xã có diện tích 5ha, với 40 hộ dân tham gia sản xuất lúa.

Do là đất cát pha nghèo dinh dưỡng, lại hay thiếu nước tưới khi nắng hạn kéo dài nên năng suất lúa rất thấp, thậm chí nhiều vụ mất trắng. Vì vậy, vụ đông xuân vừa qua ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền địa phương đã vận động nông dân chuyển sang trồng đậu phụng (lạc) và vụ vừa rồi có thu nhập cao hơn so với trồng lúa.

Duy Xuyên đã chủ động chuyển đổi diện tích lúa không chủ động được nước tưới sang trồng các loại cây cạn đã giúp cho ND có thu nhập tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Ảnh: Văn Thành

Lão nông Huỳnh Khả (ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn) có 2 sào ruộng lúa trên cánh đồng Deo, vì không chủ động được nước tưới nên năm nào cũng thất thu.

Vụ đông xuân vừa rồi, được sự hỗ trợ về kinh phí, giống và hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, gia đình ông đã chuyển toàn bộ 2 sào lúa này sang trồng đậu phụng LDH-01. Thực tế cho thấy cây đậu phát triển tốt,  được mùa, giá bán cao nên thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Còn tại xã Duy Thu, 60 sào đất lúa kém hiệu quả ở đồng Ông Sỹ và Bi Đón (thôn Tĩnh Yên) cũng được chính quyền địa phương và nhân dân chuyển sang canh tác một số loại cây ngắn ngày như: Đậu xanh, bắp lai, đậu phụng... và cho hiệu quả rõ rệt.

Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Duy Xuyên cho biết, huyện Duy Xuyên đã xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp theo phương châm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, nâng cao chất lượng các loại nông sản...

“Trước khi thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng ở bất cứ khu vực nào, chúng tôi cũng tìm hiểu cụ thể về thực trạng sản xuất và nguyện vọng của bà con, từ đó hình thành công thức luân canh, xen canh, gối vụ phù hợp với điều kiện từng địa phương để sản xuất hiệu quả” - ông Năm chia sẻ.

Tính đến tháng 6.2016, Duy Xuyên đã chuyển 214ha đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn. Bình quân mỗi năm nông dân thu lãi 40 - 50 triệu đồng/ha, có nơi lên đến 70 - 90 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, huyện Duy Xuyên sẽ tiếp tục chuyển ít nhất 450ha đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang canh tác một số loại cây trồng cạn.


Có thể bạn quan tâm