Thống kê / Tin nông nghiệp

"Du mục" trồng dưa

Tác giả: Thanh Thắng
Ngày đăng: 03/05/2018

Mùa nắng, người trồng dưa hấu bám đất miền Trung, mùa mưa sẽ “du mục” vào các tỉnh Tây Nguyên để tìm nơi thuận lợi cho dưa phát triển. Dù vất vả, nhưng người trồng dưa kiểu “du mục” thu lại những khoản thu nhập đáng kể.

Nghề trồng dưa theo lối "du mục" có thể mang lại thu nhập rất cao. Ảnh: Thanh Thắng

Giữa tháng tư, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về những ruộng dưa hấu của người dân Tam Phước đang trồng tại thôn Bình An (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình). Anh Đỗ Đình Hùng (54 tuổi, thôn Phú Xuân, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh), chia sẻ, vụ dưa đông - xuân năm nay, anh cùng vợ mình chị Phan Thị Sang (45 tuổi), thuê 16 sào đất của người dân thôn Bình An (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) để trồng dưa Hắc Mỹ Nhân.

Năm 2009, tình cờ anh biết đến nghề trồng dưa theo lối... "du mục", thấy nghề làm được nên anh bắt đầu mang ba lô ra vùng đất Bình Định Bắc thuê đất, đầu tư trồng dưa. “Nghề trồng dưa "du mục" rất đặc biệt. Mùa nắng chúng tôi sẽ thuê đất ở các tỉnh miền Trung để trồng. Khi bắt đầu vào mùa mưa (tháng 9 - 12) vợ chồng tôi sẽ tìm vào xã Cư M’lan (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) thuê đất trồng dưa. Vì những tháng này trong Tây Nguyên nắng đẹp, thuận lợi để trồng dưa. Tuy nhiên giá đất ở Tây Nguyên thì đắt hơn nhiều so với miền Trung (12 triệu 1/ha)” - anh Hùng nói.

Anh Đỗ Đình Hùng (trú tại xã Tam Phước, Phú Ninh) đang chăm sóc ruộng dưa của mình trên đất thuê tại xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình). Ảnh: Thanh Thắng

Những ngày đầu của nghề trồng dưa "du mục", vợ chồng anh Hùng gặp nhiều khó khăn vì chưa biết tìm nguồn nước cũng như đầu ra cho sản phẩm dưa. Đặc biệt, khi giá dưa không ổn định cũng là mối lo lớn cho nghề trồng dưa “du mục”.

Vụ dưa năm nay, sau khi vừa ăn Tết xong, vợ chồng anh đến Thăng Bình thuê đất trồng dưa. Giống như mọi năm, giá đất thuê ở miền Trung là 300 nghìn đồng/sào, sản xuất vụ dưa đông - xuân. Sau khi thuê đất, anh Hùng đã dựng trại tạm che nắng, che mưa để làm dưa. “Cái khó khăn nhất khi trồng dưa “du mục” là nguồn nước tưới. Nếu thuê được đất trồng ở những nơi có nguồn nước gần đó thì không sao. Nếu nước ở xa khu vực trồng dưa mà tưới không đủ thì phải đi xin thêm của người dân”- anh Hùng nói.

Theo anh Hùng, sau khi thu hoạch xong, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua và chở đi nơi khác tiêu thụ.

Cũng giống như vợ chồng ông Hùng, hai anh em Đỗ Đình Vương (37 tuổi), Đỗ Đình Thành (27 tuổi, trú thôn Phú Xuân, xã Tam Phước) cũng thuê 8 sào đất tại thôn Bình An (xã Bình Định Bắc) để trồng dưa. Tại đây, ngoài thuê đất trồng dưa, anh còn thuê 3 lao động tại địa phương để thực hiện việc cắt tỉa, chăm sóc cho dưa với tiền thù lao gần 200 nghìn đồng/ ngày. “Làm dưa giống như đánh bạc với trời. Tốt mùa bội thu thì cũng được vài chục. Dưa trồng chỉ 60 ngày là thu hoạch. Năm trước, giá dưa chỉ bán giá 5 nghìn đồng/kg mà mỗi vụ tôi đã lời 50 chục triệu. Nếu giá cao thì sẽ lời nhiều” - anh Vương chia sẻ.

Ông Trà Tấn Túc - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, thời gian gần đây có một số người dân ở nơi khác đến địa phương thuê đất trồng dưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cũng giải quyết được một số việc làm cho người dân địa phương.


Có thể bạn quan tâm