Reports / Mô hình kinh tế

Điêu Đứng Vì Cây "Trinh Nữ Hoàng Cung" Không Tiêu Thụ Được

Publish date: Saturday. September 20th, 2014

Được coi là một loại cây dược liệu quý, cây trinh nữ hoàng cung đã được một số hộ dân ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) trồng theo hướng thâm canh, thu lá và hoa phơi khô để bán cho một số đầu mối thu mua, chế biến dược liệu. Nhưng từ khoảng một năm nay, do không tiêu thụ được nên người trồng điêu đứng.

Hộ ông Đạo Văn Nũng và bà Châu Thị Đỉnh ở thôn Lương Tri 1, xã Nhơn Sơn, hơn 3 ha cây Trinh nữ hoàng cung trong thời kỳ cho thu hoạch đành phải bỏ cho lụi tàn dần do không có điều kiện chăm sóc, theo nước, bón phân.

Hơn 15 tấn nguyên liệu thành phẩm gồm lá, hoa phơi khô được chất trong kho gần 1 năm nay vẫn chưa thể xuất bán để thu hồi vốn đầu tư hàng tỷ đồng trong 3 năm qua. Bà Đỉnh lo lắng không biết xoay đâu ra tiền trả nợ nhân công, tiền điện và nợ lãi ngân hàng lẫn vay “nóng” lên đến trên 600 triệu đồng nên đã đổ bệnh.

Bà Đỉnh cho biết, từ tháng 8 năm 2011, gia đình bắt đầu trồng 2,5 ha cây Trinh nữ hoàng cung theo hợp đồng cung cấp nguyên liệu với một đơn vị dược phẩm tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, thấy việc trồng cây dược liệu này có triển vọng, hứa hẹn cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác nên gia đình mở rộng thêm 7 sào.

Trong hai năm đầu tư phân bón, công, giống, xây dựng nhà kho, sân phơi, hệ thống tưới… để sản xuất, gia đình đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng, mong thu hồi vốn và sinh lãi trong những năm tiếp theo thì nay bị “đổ bể” vì sản xuất ra, không bán được.

Theo tính toán của gia đình, mỗi năm cây dược liệu này cho thu hoạch 6 lứa (2 tháng/lứa), với năng suất khoảng 5 tấn/ha. Trung bình 8 kg lá tươi, sau khi phơi khô sẽ cho tương đương 1 kg thành phẩm. Với giá bán 40 ngàn đồng/kg hiện nay, thì 15 tấn lá thành phẩm đang tồn trong kho của gia đình trị giá đến 600 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, số nguyên liệu đã đóng bao chờ bán này, không biết đến bao giờ mới được thu mua.

Qua trao đổi với đại diện đơn vị đứng tên trong hợp đồng với người dân, ông Nguyễn Công Đức (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Công Đức-TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Loại dược phẩm này, chúng tôi thu mua chủ yếu để bán đi các tỉnh phía Bắc, nhưng từ đầu năm đến nay bên thu mua không tiếp tục nhập hàng dẫn đến khó khăn về “đầu ra”. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để nối lại việc trao đổi mua bán.

Tuy nhiên trước mắt phải khắc phục từ từ, từng bước vì hiện nay lượng “cung” vượt quá “cầu”. Nông dân chia sẻ với chúng tôi vì khó khăn chung hiện nay…

Qua tìm hiểu được biết, tại xã Nhơn Sơn hiện có một số hộ cũng tham gia trồng, cung cấp cho một số đơn vị thu mua dược liệu với khoảng 6 ha, thuộc các thôn Lương Tri, Lương Cang, nhưng đều mang tính tự phát, không nằm trong quy hoạch của xã.

Các hợp đồng giữa nhà cung ứng, đầu tư, đồng thời là đầu mối thu mua với người dân đều không có xác nhận và thông qua ý kiến của UBND xã, các điều khoản trong hợp đồng thiếu chặt chẽ do đó người dân vẫn là người chịu thiệt thòi trong quá trình thương thảo với bên liên quan.

Đồng chí Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn cho biết thêm: Trước đây, người dân canh tác, phát triển cây dược liệu này khá thuận lợi, làm tới đâu có người thu mua tới đó, nhưng thời gian gần đây “đầu ra” có khó khăn.

UBND xã cũng có khuyến cáo các hộ dân trong quá trình thực hiện các hợp đồng làm ăn, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cần thông qua ý kiến của chính quyền địa phương để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, vừa đảm bảo tính pháp lý khi “vỡ” chuyện, tránh tình trạng vì lợi ích trước mắt, thiếu hiểu biết đến khi xảy ra tranh chấp khó giải quyết, gây thiệt hại cho chính người nông dân.


Related news