Thống kê / Mô hình kinh tế

Diện tích hoa màu đang ổn định và phát triển

Ngày đăng: 01/10/2015

“Mưa trồng sắn, nắng trồng dưa” là kinh nghiệm hàng chục năm qua của nông dân trồng hoa màu ở 3 huyện ven biển. Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết:

Toàn xã có 295ha hoa màu.

Đang vào mùa mưa, hầu hết nông dân trồng sắn, số ít còn lại trồng đậu phộng. Sắn dễ trồng hơn dưa hấu. Sắn chịu được mùa mưa, chịu ngập úng.

Hiện nay, các giống sắn có năng suất cao được nông dân Thạnh Hải chọn trồng gồm: KM419, KM101, KM140, KM98-5, NA1, KM98-7, KM21-12, 06Sa08, HL-S10, HL-S11. Mỗi công đất trồng sắn đạt năng suất từ 2,6 tấn đến gần 4 tấn.

Năm nay, tại xã Thạnh Hải, nhiều nông dân trúng mùa sắn với giá cao. Ông Trương Hữu Phúc ở ấp Thạnh Lộc cho hay: “Tôi trồng khoảng 1,2ha sắn, năng suất khoảng 3 tấn/công. Giá sắn rất cao, tôi bán được giá từ 6 - 8,2 ngàn đồng/kg; chỉ với giá 6 ngàn đồng/kg thì năm nay tôi còn lời ít nhất 200 triệu đồng, gấp 2 - 3 lần so với năm 2013 và 2014.

Bên cạnh đó, xã Thạnh Phong (giáp với xã Thạnh Hải) có 300ha hoa màu, trong đó trồng sắn gần 200ha. Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ giá sắn trung bình 7 ngàn đồng/kg.

Ông Lê Thanh Liêm - người có nhiều năm kinh nghiệm trồng sắn ở Thạnh Phong cho biết: Sắn dễ trồng, một năm trồng 2 vụ: đầu mùa mưa (tranh thủ trồng sớm khi đất đủ độ ẩm) và cuối mùa mưa.

Cũng có thể trồng sắn vào mùa nắng, nhưng phải chủ động được nguồn nước tưới.

Ở Bình Đại cũng có nhiều nông dân trồng sắn, nhiều nhất ở các xã: Phú Long, Long Hòa, Châu Hưng, Thừa Đức, Thới Thuận, trồng 3 vụ hoa màu/năm.

Năm nay, giá sắn ở huyện lên 9 ngàn đồng/kg. Ông Võ Văn Hùng có trên 15 năm kinh nghiệm trồng sắn cho biết: “Năm nay, tôi bán sắn được giá từ 5 - 9 ngàn đồng/kg. Gia đình tôi có 8 công đất giồng cát rất phù hợp để trồng sắn.

Năng suất gần 3 tấn/công. Với giá này, năm nay, tôi thu lợi nhuận từ củ sắn gần 200 triệu đồng”.

Bên cạnh trồng sắn, các hộ trồng dưa gang cũng thu lợi nhuận khá cao.

Anh Dương Văn Dũng ở ấp Thạnh Quí A, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú, trồng 2.500m2 dưa gang, bán với giá 2,5 ngàn đồng/kg, thu về 25 triệu đồng.

Sau khi trừ chi phí, anh Dũng còn lợi nhuận 15 triệu đồng.

“Năm 2016, tận dụng mùa nắng, sau khi thu hoạch 4 công lúa, tôi sẽ chuyển hết sang trồng dưa gang.

Đến khi mưa xuống thì trồng lúa trở lại” - anh Dũng cho biết.

Ở huyện Thạnh Phú, không ít nông dân trồng các loại rau như: cải ngọt, diếp cá, quế, cải bẹ xanh, húng lũi, húng cây, ngò gai, ngò rí, cần tàu, rau muống…

Tại xã Bình Thạnh có 12,5ha hoa màu, trong đó chuyên canh 5ha rau các loại. Ông Nguyễn Văn Khá ở ấp Thạnh Quí B, xã Bình Thạnh phấn khởi cho hay:

“Gia đình tôi chỉ có 2 công đất trồng rau (cải bẹ xanh, rau húng, quế, ngò rí, cần tàu), vào mùa nắng mỗi tháng thu về 8 triệu đồng, vào mùa mưa thu về khoảng 3 triệu đồng”.

Nói về trồng rau thì huyện Ba Tri đứng đầu cả tỉnh. Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết: Toàn huyện có khoảng 2.200ha hoa màu, sản lượng khoảng 55 ngàn tấn/năm.

Hoa màu ở Ba Tri hầu hết là rau các loại, trồng nhiều ở các xã: Tân Thủy, An Hòa Tây, An Thủy, Phú Ngãi, An Bình Tây, Tân Xuân, Bảo Thuận.

Ông Nguyễn Hữu Thoại ở ấp Tân Bình, xã Tân Thủy cho biết: “Gia đình tôi có 5 công đất. Từ năm 1977, tôi bắt đầu trồng củ hành tím theo kinh nghiệm của ông bà để lại. Năm 2014, gia đình tôi trồng được 5 tấn củ hành, thu về 90 triệu đồng.

Hàng năm, trên 5 công đất này, tôi trồng bầu, bí, dưa leo, ớt, cải, ngò (kể cả hành củ)… thu hoạch khoảng 25 tấn. Mỗi năm, trừ chi phí, còn lãi khoảng 100 triệu đồng.

Trong 5 năm trở lại đây, tôi trồng hoa màu theo hướng sạch, an toàn (dùng thuốc sinh học và phân chuồng đã xử lý). Tôi đang chuẩn bị làm nhà lưới có diện tích 600m2, kinh phí xây dựng trên 60 triệu đồng để trồng rau an toàn”.

Xã Tân Thủy có Tổ rau an toàn Bình Phước (thành lập vào cuối năm 2011), 60 hộ tham gia với diện tích 6ha.

Xã đang chuẩn bị thành lập Tổ rau an toàn Tân Bình, 73 hộ tham gia với diện tích 8,2ha. Về lâu dài, cả 2 tổ thực hiện theo phương châm “An toàn cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường”.

Ông Trương Minh Nhựt - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trồng hoa màu theo hướng an toàn là hướng đi đúng đắn của nông dân hiện nay.

Về lâu dài nên trồng theo hướng VietGAP hoặc GlobalGAP để hoa màu ở Bến Tre có điều kiện xuất đi thị trường nước ngoài. Có như vậy, hoa màu ở Bến Tre sẽ luôn ổn định và phát triển.


Có thể bạn quan tâm