Thống kê / Mô hình kinh tế

Dịch Bệnh Trên Gia Súc, Gia Cầm Giảm

Ngày đăng: 30/12/2013

Theo tổng kết của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2013 dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đều giảm so với năm ngoái.

Cụ thể, năm 2013, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại 50 xã (giảm 83% so với năm 2012), phường của 23 huyện, quận (giảm 81% so với năm 2012) thuộc 7 tỉnh (giảm 78% so với năm 2012), làm 59.829 con gia cầm mắc bệnh. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 79.522 con (giảm 88% so với năm 2012).

Năm 2013, về cơ bản đã kiểm soát được dịch cúm gia cầm; vaccine cúm gia cầm hỗ trợ của Nhà nước chỉ sử dụng khoảng 2 triệu liều, còn tồn 38 triệu liều và đang làm thủ tục chuyển sang năm 2014.

Đối với dịch tai xanh ở lợn, dịch đã xảy ra tại 168 xã, phường của 46 huyện, quận thuộc 13 tỉnh; tổng số lợn mắc bệnh 38.532 con; số lợn tiêu hủy là 18.452 con. So với năm 2012, số tỉnh có dịch giảm 43,5%; số huyện có dịch giảm gần 40%; số xã có dịch giảm 42,4%; số gia súc mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy giảm 42,6%.

Năm 2013, Chính phủ cấp 1 triệu liều vaccine tai xanh dự trữ để phòng chống dịch, tuy nhiên cho đến nay mới cấp hỗ trợ cho các địa phương 530.000 liều, hiện tại đang còn tồn 470.000 liều và đang làm thủ tục xin chuyển sang năm 2014.

Đối với dịch lở mồm long móng xảy ra tại 145 xã của 44 huyện thuộc 9 tỉnh, tập trung vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, số gia súc mắc bệnh là 5.648 con, tiêu hủy là 1.193 con. Ngoài ra, còn một số địa phương có xuất hiện ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ nhưng đã được chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.

Đối với dịch bệnh trên tôm, trong năm 2013, tuy xảy ra ở nhiều địa phương hơn, nhưng tổng diện tích bị bệnh chỉ bằng khoảng 49,15% so với năm 2012. Dịch bệnh trên các loại thuỷ sản khác vẫn diễn ra rải rác, không phát triển thành dịch trầm trọng.

Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 28/12, cả nước chỉ còn tỉnh Phú Yên có tỉnh lở mồm long móng chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, năm 2014 Việt Nam sẽ hội nhập kinh tế thế giới mạnh hơn và một trong những ngành chịu tổn thương nhiều nhất là chăn nuôi. Do đó, ngành thú y phải làm thật tốt khâu kiểm soát nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong nước.


Có thể bạn quan tâm