Thống kê / Mô hình kinh tế

Đầu tư cho cây ca cao cải thiện về chất

Ngày đăng: 30/06/2015

Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 11 tỉnh trồng ca cao với tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Năng suất trồng cây ca cao hiện nay đạt bình quân 15 - 20 tấn quả tươi, tương đương 1,5 - 2 tấn hạt khô/ha/năm. Sản lượng hạt khô cả nước đạt 17.500 tấn, sản lượng hạt xuất khẩu đạt 17.400 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 43,5 triệu USD/năm.

Dù lượng xuất khẩu ca cao của Việt Nam chưa lớn, nhưng chất lượng ca cao của Việt Nam không hề thua kém các nước khác. Sản phẩm ca cao của Việt Nam được đánh giá cao là do lên men đúng quy trình, rất thích hợp để chế biến thành sô cô la nguyên chất. Ca cao Việt Nam hiện có tới 95% là sản phẩm ca cao lên men, kích cỡ hạt đạt trung bình 80 - 100% hạt/lượng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Đến năm 2020 cả nước phấn đấu trồng 50.000 - 60.000 ha ca cao, trong đó diện tích cho thu hoạch đưa vào kinh doanh là 45.000 ha, sản lượng hạt khô là 67.000 tấn, hạt khô đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 60.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 - 170 triệu USD/năm.

Để đạt mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đang tiến hành hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cây ca cao xen dưới tán cây điều, cây dừa, các cây trồng ăn trái khác; trồng mới ca cao ở những diện tích cây trồng trước đây đã già cỗi không thể phục hồi lại được bằng những giống tốt, có năng suất cao. Việc trồng thí điểm xen canh ca cao với các cây trồng khác đã áp dụng trên địa bàn 8 tỉnh trọng điểm phát triển cây ca cao, trong đó đạt hiệu quả cao nhất và được nhân rộng tại Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Đặc biệt, do sản phẩm từ ca cao qua chế biến như kẹo, bột… có thể lãi đến 400%, nên một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc đầu tư dây chuyền sản xuất tại thị trường Việt Nam như Puratos Grand Place, Vinacacao… Tính từ năm 2011 đến nay, lượng ca cao sản xuất trong nước hàng năm được các doanh nghiệp Puratos GrandPlace Việt Nam, Vinacacao, Cargill Việt Nam, Phạm Minh, Thành Đạt, Trọng Đức, Nguyên Lộc thu mua và chế biến để xuất khẩu chiếm tới 87% lượng ca cao của cả 3 vùng trọng điểm, 13% còn lại được các doanh nghiệp trong nước mua chế biến tiêu dùng nội địa.


Có thể bạn quan tâm