Thống kê / Mô hình kinh tế

Đã Xác Định Tác Nhân Gây Bệnh Trên Tôm Hùm

Ngày đăng: 12/04/2012

Chi cục Thú Y tỉnh Phú Yên vừa thông báo kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y trung ương, Cục Thú y về kết quả quả xét nghiệm tìm nguyên nhân bệnh trên tôm hùm nuôi ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu).

Theo đó, trong 3 mẫu tôm hùm phân tích, có 100% mẫu kiểm tra bị nhiễm nấm Fusarium solari – tác nhân chính gây bệnh đen mang trên tôm hùm; 66,7% mẫu kiểm tra phát hiện thấy vi khuẩn ký sinh nội bào Rickettsia-like - tác nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm; 33,3% mẫu kiểm tra phát hiện thấy có sự hiện diện của thể vùi virus hình cầu bắt màu tím của Hematoxyline trong mô liên kết gan tụy tôm hùm - tác nhân chính gây bệnh đỏ thân trên trên tôm hùm; 66,7% mẫu kiểm tra phát hiện thấy có sự hiện diện vi khuẩn Vibrio.sp trong gan tụy và trong máu tôm, đặc biệt là 2 loại Vibrio alginolyticus và Vibrio fluvialis.

Trước tình hình này, Chi cục Thú y hướng dẫn người nuôi tôm một số biện pháp phòng ngừa bệnh trên tôm hùm, bằng cách lựa chọn vị trí đặt lồng có lưu thông dòng chảy qua lồng nuôi tốt, nên đặt lồng cách đáy ít nhất 1m và tránh khu vực ô nhiễm. Bố trí lồng, bè nuôi với mật độ phù hợp tránh cản trở lưu thông nước và ảnh hưởng nhau về dịch bệnh; không nuôi quá dày, nên thả tôm với mật độ vừa phải (30 - 60 lồng/ha); nên chọn thức ăn tươi, bảo quản tốt và rửa sạch trước khi cho ăn; nên trộn bổ sung vitamin C và các khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng và cung cấp các chất dinh dưỡng…

Chi cục Thú y cũng khuyến cáo, đối với chứng đỏ thân trên tôm hồm, nên sử dụng Doxycycline trộn vào thức ăn với lượng 3 - 7 g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày; bệnh đen mang, trị bằng cách tách riêng tôm có dấu hiệu bệnh nhằm giảm sự lây lan cho cả đàn tôm; sử dụng Formalin 100 - 200 ppm để tắm tôm trong thời gian 10 - 15 phút/ngày (dùng 2 - 4 ngày) để điều trị bệnh.

Có thể bạn quan tâm