Thống kê / Mô hình kinh tế

Cử nhân làm giàu từ chăn nuôi lợn rừng

Ngày đăng: 14/10/2015

Đỗ Mạnh Hùng chăm sóc đàn lợn rừng Thái Lan trong trang trại của gia đình.

Trước khi về quê, Ðỗ Mạnh Hùng từng có gần 9 năm sống và học tập tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và thường xuyên đi thăm những mô hình trang trại nuôi cá sấu, đà điểu…

Theo Hùng, từ những mô hình này đã hình thành ý tưởng làm nông nghiệp kiểu mới để làm giàu.

Với lợi thế thành thạo vi tính và tiếng Anh, Hùng tìm hiểu rất nhiều mô hình chăn nuôi cả trong và ngoài nước để so sánh từng con vật nuôi sao cho phù hợp với môi trường sống, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân địa phương và đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2013, từ bỏ công việc tại Chi nhánh Viettel quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðỗ Mạnh Hùng về quê cùng gia đình xây dựng trang trại Nam Sơn tại xã Thụy Sơn (Thái Thụy), đầu tư 300 triệu đồng cải tạo 3.000m2 đất để nuôi 54 con lợn rừng giống thuần chủng Thái Lan.

Ðỗ Mạnh Hùng chia sẻ: Cỏ voi, bèo, cây, lá chuối, rau khoai lang...

chiếm 95% khẩu phần thức ăn của lợn rừng (trung bình tốn 2.000 đồng/con lợn/ngày).

Hùng còn nhập và trồng cây chè khổng lồ từ Australia cho lợn ăn để có sức đề kháng tốt, tỷ lệ nạc cao, tăng hàm lượng đạm, thịt lợn thơm hơn, giá thành sản phẩm cao.

Không chỉ có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn, Hùng còn chọn lọc những con lợn rừng bố mẹ có gien gốc thuần chủng để nhân giống.

Hiện tại, trang trại của Hùng có 400 con lợn rừng Thái Lan thuần chủng.

Với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg lợn thịt, 3 triệu đồng/con lợn giống, năm 2013 trang trại thu 900 triệu đồng lợi nhuận từ lợn rừng, năm 2014 số tiền lãi thu về lên tới 1,3 tỷ đồng.

Không những vậy, trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 nhân công với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ.

Sau 3 năm, đến nay mô hình trang trại của Ðỗ Mạnh Hùng và gia đình được đầu tư hoàn thiện với tổng diện tích gần 3ha gồm khu chăn nuôi và trồng cây ăn quả có hệ thống xử lý chất thải khoa học, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.

Ham học hỏi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người chăn nuôi, Hùng lập trang web trangtrainamson.com, ngoài ra còn bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh áp dụng mô hình của mình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bỏ lại công việc nơi thành phố, gác lại đam mê nhiếp ảnh về quê lập nghiệp, được sự tiếp sức của gia đình, đoàn thanh niên các cấp cùng chính quyền địa phương, Ðỗ Mạnh Hùng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua của tuổi trẻ Thái Bình: “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới”.


Có thể bạn quan tâm