Thống kê / Mô hình kinh tế

Chuyển Đổi Đất Lúa Có Dễ?

Ngày đăng: 18/11/2014

So với các tỉnh Nam Trung bộ, Bình Thuận đã hình thành vùng chuyên canh thanh long trên đất lúa kém hiệu quả nhưng mọi giải pháp yêu cầu triển khai song song của Cục Trồng trọt thì đang khởi động…

Cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 khu vực Trung bộ tổ chức tại TP.Phan Thiết mới đây xoay quanh 2 nội dung. Đó là phản ánh tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi trên toàn miền Trung trong diễn biến của hiện tượng El Nino và đốc thúc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn.

Vế thứ hai được xem là giải pháp quyết định để cứu vãn hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp toàn vùng, vấn đề đã được đưa ra tại Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ năm 2013. Sau hơn 1 năm triển khai, toàn vùng chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bắp, đậu phộng, rau, dưa, ớt... chỉ đạt 5.773 ha, trong khi kế hoạch cần chuyển 63.000 ha.

Con số thực hiện quá thấp cũng thông báo hàng loạt khó khăn kèm theo xuất phát từ nhận thức của nông dân, của chính quyền sở tại, vì ngại thay đổi. Tuy nhiên, việc thiếu nước trầm trọng vì ảnh hưởng hạn El Nino lại đang ập đến, khi được dự báo sẽ diễn ra tại vụ đông xuân 2014 - 2015 này.  

Trong khi đó, tại Bình Thuận, chuyện chuyển từ đất lúa sang trồng các cây trồng khác, cụ thể là thanh long lại rầm rộ, một trạng thái lạ so với quang cảnh chung của toàn vùng Nam trung bộ. Hàng trăm ha đất lúa 1 vụ lẫn 2 vụ đã được thay thế bằng những ruộng thanh long mà không phải vận động tuyên truyền, lắm khi còn bị ngăn cấm. Điều đó thể hiện sức hút mạnh của hiệu quả kinh tế, của sự mạnh dạn thay đổi cho làm giàu, bởi đầu tư cây thanh long cần nhiều vốn và cũng lắm rủi ro, do thị trường bấp bênh.

Đây cũng là lý do chính khiến các tỉnh Nam Trung bộ không dám sản xuất các cây trồng cạn như đậu, đỗ, mè, ớt...trên đất lúa, vì ngại không bán được nên tâm lý lúa có thể trữ được, gạo có thể giúp gia đình không phải đói, nếu gặp tình huống cuộc sống tệ nhất vẫn còn.

Vì thế, theo Cục trồng trọt, để chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hiệu quả cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như chuyển đổi cây trồng gắn với thị trường nhằm tránh được mùa mất giá; có quy hoạch cụ thể gắn với hệ thống thủy lợi tưới tiêu hợp lý; gắn kết các nhà với nông dân…

Tất cả cần triển khai nhanh, nhịp nhàng để các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có thể thực hiện chuyển đổi 48.000 ha đất lúa trong năm 2015, trong đó Bình Thuận 3.700 ha đất lúa kém hiệu quả.

Con số này liệu có còn trên thực tế không, khi thanh long đã được xuống giống với con số vượt xa kế hoạch năm 2015? Nếu so với các cây trồng cạn khác, thanh long sử dụng nhiều nước hơn thấy rõ.

Nhưng nếu so với lúa, khó có thể phân tích chi li việc dùng nước của  cây thanh long ít hơn bao nhiêu khối nước/vụ nhưng chắc rằng, với hệ thống ao hồ mà người trồng thanh long đào sẵn thì cũng có thể giảm bớt gánh nặng cho nước tưới. Cộng thêm đặc thù của cây thanh long vốn là cây chịu được hạn, tất nhiên nếu bị thiếu nước trầm trọng sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng nhưng dù sao, vẫn có cơ hội khắc phục hơn so với cây lúa.

Và vấn đề bây giờ của Bình Thuận, bên cạnh chuyện lo thiếu nước, điều đáng lo cấp thiết khác sắp tới là thị trường tiêu thụ. Vì so với các tỉnh Nam Trung bộ, Bình Thuận đã hình thành vùng chuyên canh thanh long trên đất lúa kém hiệu quả nhưng mọi giải pháp yêu cầu triển khai song song của Cục Trồng trọt thì đang khởi động…

Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/vn/default.aspx?cat_id=510&news_id=71252#content


Có thể bạn quan tâm