Thống kê / Mô hình kinh tế

Chuyển Biến Trong Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Phan Thanh

Ngày đăng: 30/07/2014

Phan Thanh là xã vùng cao của huyện Ngyên Bình, 7/11 xóm chưa có điện sinh hoạt, 7 xóm chưa có đường ô tô, 6 xóm chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Để khắc phục khó khăn, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trong sản xuất nông nghiệp, cả xã có trên 360 ha đất canh tác, chủ yếu trồng cây lương thức chính là ngô, lúa. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 1.100 tấn.

Ngoài cây lương thực chính, nhân dân trồng cây dong riềng để tăng thu nhập. Đến nay, cả xã trồng trên 17 ha, tập trung nhiều ở 2 xóm Bản Chiếu và Tổng Sinh, năng suất đạt 15 tấn/ha. Nhiều hộ nông dân đầu tư phát triển trồng cây dong riềng đã thoát nghèo, từng bước vươn lên hộ khá.

Anh Hoàng Văn Tường, xóm Tổng Sinh cho biết: cây dong riềng cho năng suất cao, dễ trồng và chăm sóc. Hằng năm, gia đình tôi thu trên 10 triệu đồng từ trồng dong riềng. Hiện, cả xóm Tổng Sinh 25/25 hộ đều đầu tư phát triển trồng dong riềng, nhiều gia đình thu được trên 1 tấn bột/năm.

Từ các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, xã vận động nhân dân trồng trúc sào, đến nay, có 6/11 xóm đầu tư phát triển trồng trúc sào. Riêng năm 2014, cả xã đã mở rộng diện tích trồng mới trên 2 ha, nâng tổng số diện tích trúc sào của toàn xã lên gần 70 ha.

Nhiều hộ có trên 1 ha trúc, cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, một số hộ ở Tổng Sinh đã mạnh dạn đầu tư phát triển gần 2 ha chè. Chè ở đây có hương vị đặc biệt, chất lượng tốt, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trong chăn nuôi, nhiều hộ duy trì nuôi từ 5 - 10 con trâu, bò. Hiện cả xã có gần 2.000 con trâu bò, trên 100 con ngựa, trên 2.300 con lợn, 180 con dê.

Từ việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Năm 2013, cả xã đã xóa được trên 60 hộ nghèo.


Có thể bạn quan tâm