Thống kê / Mô hình kinh tế

Chăn Nuôi Gà An Toàn Sinh Học Ở Quảng Nam

Ngày đăng: 09/02/2013

Những năm gần đây, ở các địa phương ven đô TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đang phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi gà theo hướng nông trại với quy mô lớn. Tuy nhiên chất thải từ mô hình này gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Để giúp nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, khắc phục tình trạng ô nhiễm, tháng 6.2012 Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ đã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng mùn cưa hoặc vỏ trấu trên diện tích 450 m2 nền chuồng nuôi gà của 7 hộ chăn nuôi tại 3 xã Tam Thăng, Tam Ngọc và Tam Phú.

Sau một thời gian lấy chế phẩm men (được làm từ chế phẩm BALASA No1 trộn bột ngô, nước cho vào túi hoặc thùng ủ từ 2 - 3 ngày) rải lên toàn bộ bề mặt đệm lót, phân gà thải ra không còn mùi hôi thối, hạn chế ruồi. Đặc biệt, mô hình này không cần phải thay đệm trong suốt quá trình chăn nuôi, giảm nhân công dọn chuồng và nguyên liệu làm đệm, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Ông Trương Minh Hạnh, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Vĩnh Bình (Tam Thăng) cho biết: “Trước đây, mỗi khi vào chuồng gà phải đeo khẩu trang nhưng vẫn thấy khó chịu vì mùi hôi. Từ khi thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng chế phẩm sinh học, mùi hôi giảm hẳn kéo theo giảm chi phí nhân công dọn dẹp, gà khỏe mạnh và sinh trưởng tốt hơn”.

Việc ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà an toàn sinh học sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ khẳng định: “Mô hình này dễ ứng dụng, kinh phí đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, hằng năm cần tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi sinh học để nâng cao nhận thức cho nông dân. Đồng thời, khuyến khích bà con ứng dụng mô hình này ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi, tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất trồng trọt và thủy sản”.


Có thể bạn quan tâm