Thống kê / Mô hình kinh tế

Cánh Kiến Chưa Có Thị Trường Ổn Định

Ngày đăng: 22/08/2014

Xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) có diện tích nuôi thả cánh kiến lớn nhất trong toàn huyện Mường Chà với diện tích nuôi thả 350ha. Giai đoạn 2005 – 2012, giá cánh kiến ổn định và có lúc tăng cao, mỗi ki lô gam cánh kiến giá từ 70.000 – 250.000 đồng, tùy từng thời điểm.

Người dân thu hoạch tới đâu bán hết tới đó, nên diện tích nuôi thả cánh kiến ngày càng được mở rộng theo từng năm.

Ông Trần Văn Thại, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà (Lâm trường Đặc sản Lai Châu trước đây) một người đã gắn bó gần 30 năm với cánh kiến cho biết: Vùng lõi để thả cánh kiến đỏ gồm: Hừa Ngài, Huổi Lèng; nếu mở rộng diện tích có các xã: Sá Tổng, Huổi Mý, Pa Ham, Nậm Nèn, Ma Thì Hồ, Sa Lông…

Tuy nhiên, khí hậu, thời tiết của Huổi Lèng là phù hợp hơn để cánh kiến phát triển bởi cây cọ khiết (một loại cây chủ để thả cánh kiến) trồng ở đây có nguồn nhựa dồi dào, thuận lợi cho cánh kiến phát triển; cánh kiến thả Huổi Lèng có hình thức bắt mắt; cánh dầy, béo hơn các vùng khác.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, giá cánh kiến chững dần bởi hầu như các đầu mối thu mua trước đây không còn mua ồ ạt; nhiều hộ dân trong xã thu gom cánh kiến với số lượng lớn cũng lao đao vì không bán được.

Ông Nguyễn Hữu Thụy, ở bản Trung Dình, xã Huổi Lèng những năm trước thường xuyên thu mua cánh kiến để bán cho tư thương với số lượng lớn. Nhưng hiện tại số lượng cánh kiến ông mua gom đã lên đến 10 tấn mà chưa bán được do giá cánh kiến xuống quá thấp; hiện giá cánh kiến tươi chỉ còn 50.000 – 70.000 đồng/kg; giá cánh kiến khô dao động ở mức 70.000 – 90.000 đồng/kg.

Cùng cảnh ngộ là gia đình ông Nguyễn Văn Biên, ông Bảy Dung, ở bản Trung Dình, còn khoảng 20 tấn cánh kiến khô đang “đắp chiếu” chờ người mua. Theo ông Bảy Dung, hiện còn khá nhiều hộ trong xã chưa tiêu thụ được cánh kiến. Nguyên nhân là do một số bạn hàng nước ngoài đang ngừng nhập khẩu loại mặt hàng này nên các đại lý cũng không thu mua trong dân.

Cánh kiến đã tồn tại nhiều thập kỷ trên đất Huổi Lèng, là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, cánh kiến cũng như nhiều cây trồng khác trong tỉnh vẫn phụ thuộc bấp bênh thị trường tiêu thụ. Do đó, giải quyết ổn định “đầu ra” mới là giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề nuôi thả cánh kiến.


Có thể bạn quan tâm