Thống kê / Mô hình kinh tế

Cảnh Giác Với Chế Phẩm Trị Bệnh Vàng Lá Gân Xanh

Ngày đăng: 01/10/2014

Lợi dụng nhu cầu cần trị bệnh trên cây có múi của nhiều nhà vườn, một số công ty đã đến tư vấn các chế phẩm nông nghiệp ngăn chặn bệnh vàng lá gân xanh (Greening) trên cây cam sành. Trong khi các cơ quan chuyên môn Hậu Giang khẳng định, đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại phân, thuốc nào có khả năng đặc trị được dịch bệnh nguy hiểm này.

Cách đây hơn 2 tháng, ông Lê Thanh Tùng, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy bỗng lóe lên tia hy vọng về mục tiêu phục hồi vườn cam sành rộng 1,5 ha, trong đó có khoảng 0,6 ha đã 8 năm tuổi của gia đình mình đang bị nhiễm nặng bệnh vàng lá gân xanh.

Khi mà một số nhân viên của các công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp ngoài tỉnh chủ động đến tư vấn, kê toa những chế phẩm phân bón lá dùng để tưới gốc, phun lên cây là có thể chữa trị được dịch bệnh.

Tiền mất, vườn cây không còn

Theo hướng dẫn, ông Tùng cầm toa đã kê sẵn tên các loại phân bón lá đến đại lý vật tư nông nghiệp mua về pha trộn, rồi tưới cho trên 1.000 gốc cam sành bị bệnh phía sau nhà.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, họ nói độ khoảng 1 tháng là cây sẽ phục hồi trở lại. Thế mà dù đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng vẫn không thấy tiến triển gì hết, mà trái lại có đến 20% trong tổng số cây bị bệnh được tưới dung dịch đang nằm trơ gốc.

Do thân cây đã chết khô sau khi được tưới chế phẩm vào chừng 20 ngày, nên không còn cách nào khác hơn là buộc phải chặt bỏ.

Theo kinh nghiệm của ông Tùng, cam bị bệnh vàng lá thường chết nhánh chứ không chết cây. Nhờ vậy mà nhà vườn có thể tận thu được hết lứa trái nhỏ còn lại trên cây trước khi đốn bỏ, góp phần tạo thêm thu nhập cho gia đình. Với giọng xót xa, ông Tùng chia sẻ: “Chưa kể ngày công dành để pha trộn chế phẩm và tưới cây, thì gia đình tôi đã chi trên triệu đồng. May mắn là số tiền bỏ ra còn ít nên thiệt hại kinh tế không nhiều.

Có chăng thì cũng chỉ là những cây cam vốn đã bị dịch bệnh vàng lá gân xanh tấn công vô phương cứu chữa mà thôi”.

Hiện 4 công cam sành đã 3 năm tuổi của hộ ông Lê Thanh Tân, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành cũng đã bị vàng lá gân xanh tấn công gần hết. Song, ông Tân lại thận trọng hơn với lời tư vấn, kê toa hướng dẫn, thậm chí là cung cấp sản phẩm dùng thử bởi các vị kỹ sư xa lạ thông qua việc chờ kết quả thực hiện từ những nhà vườn trong xóm.

Ông Tân lý giải, sợ mất thời gian, tốn tiền mà vườn cam vẫn không hết bệnh nên chưa dám mạo hiểm làm theo. Qua đây, chúng tôi rất mong ngành chuyên môn sớm nghiên cứu ra giải pháp phòng trị giúp người trồng cam sành ổn định sản xuất.

Chích thuốc có trị khỏi bệnh ?

Đáng kể là nhiều nhà vườn trồng cam sành ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy còn dính phải “chiêu” cam kết xử lý hết bệnh vàng lá gân xanh bằng phương pháp có phần phản khoa học.

Theo đó, các đối tượng xa lạ cũng tự xưng là kỹ sư đã chủ động tìm đến gặp các nhà vườn, rồi thỏa thuận chích hóa chất được chuẩn bị sẵn vào những cây cam bị bệnh. Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Phụng Hiệp Trần Văn Xinh cho biết: Thời gian qua, một số hộ ở xã Tân Long chấp nhận cho chích hóa chất không rõ nguồn gốc vào cây cam bị bệnh vàng lá gân xanh.

Ông Xinh thông tin thêm, bước đầu chi phí khoảng 25.000 đồng/cây, nhưng dựa vào lời đồn đoán là sau khi chích, cây có dấu hiệu xanh tươi trở lại nên có lúc giá tăng lên gấp đôi.

Còn ông Nguyễn Hữu Trí, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, bức xúc: Tuy có sự thỏa thuận và đồng ý của nhà vườn, nhưng dịch vụ bơm, chích chế phẩm nông nghiệp không rõ nguồn gốc, nhãn mác vào cây là không thể chấp nhận được.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế lâu dài của người dân, mà còn gây trở ngại trong công tác dập dịch bệnh vàng lá gân xanh của ngành chức năng địa phương.

Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang Trần Ngọc Thể cảnh báo: Đến nay, bệnh vàng lá gân xanh (Greening) trên cây cam sành vẫn chưa có thuốc đặc trị. Cho nên bà con đừng nghe theo lời quảng bá sản phẩm này, chế phẩm nọ có thể chữa trị bệnh vàng lá gân xanh.

Tuy nhiên, một vài loại phân bón lá dùng để tưới, hoặc phun trên lá có thể giúp cho cây vượt qua, xanh lại trong thời gian ngắn. Riêng biện pháp chích thuốc vào cây chưa được hội đồng khoa học ghi nhận, cũng như khẳng định hiệu quả. Thông thường, hóa chất dùng để chích đều là kháng sinh nên càng không được phép sử dụng.

“Ngành bảo vệ thực vật sẽ tiến hành kiểm tra công tác cung cấp các chế phẩm nông nghiệp trong dân. Nếu phát hiện công ty nào giới thiệu sản phẩm phân bón lá quá chức năng, hoặc dịch vụ tiêm chích cho cây, thì nghiêm khắc xử phạt hành chính” - ông Thể khẳng định.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 3.800ha vườn cây có múi bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, tăng khoảng 470ha so với cách nay 10 ngày, tỷ lệ ảnh hưởng từ 30-70%. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên cây cam sành ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành.


Có thể bạn quan tâm