Thống kê / Mô hình kinh tế

Bài Toán Tôm Nguyên Liệu Cần Giải Pháp Phù Hợp Với Thực Trạng Của Ngành

Ngày đăng: 27/09/2014

Để phát triển ngành sản xuất và XK tôm bền vững, đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và XK tôm nước lợ khu vực ĐBSCL của Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) là rất cần thiết. Trong đó, đề án có đề cập đến những giải pháp quan trọng cho sự phát triển nguồn nguyên liệu, một bài toán đau đầu của toàn ngành.

Một trong những giải pháp được đưa ra cho bài toán thiếu tôm nguyên liệu và cũng là một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo đề án tôm của Tổng cục Thủy sản quy định DN chế biến phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tối thiểu 10% công suất. Theo cộng đồng DN tôm, trong bối cảnh thực tế ngành tôm Việt Nam hiện nay, giải pháp này chưa phù hợp.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP, khác với con cá tra, con tôm chưa hình thành một vùng nguyên liệu theo hướng liên kết giữa DN và người nuôi hay DN tự nuôi vì diện tích nuôi tôm lớn. Trong đó, chủ yếu là nuôi quảng canh, lại phân bố trên một diện tích rộng nên rất khó cho DN khi xây dựng vùng nguyên liệu.

Quy định DN chế biến phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tối thiểu 10% công suất liệu có thể giải được bài toán cung cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hay họ vẫn phải tuân theo quy luật cung cầu của thị trường. Nếu như việc xây dựng một vùng nguyên liệu cho riêng mình có thể giải quyết tối ưu về nguồn nguyên liệu cho chế biến, có lẽ không ít nhà máy chế biến đã mạnh dạn đầu tư cho việc này, và nếu nguồn tôm nguyên liệu trong nước không bị “tận thu” bởi thương lái nước ngoài  thì chắc chắn DN chế biến cũng không “mặn mà” với nguồn nguyên liệu NK.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng qua, giá trị NK thủy sản cả nước đạt 720 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu từ các thị trường Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc). Ấn Độ dẫn đầu các nước về cung cấp hàng thủy sản cho Việt Nam với 46 triệu USD trong tháng 8 và 248,5 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, tôm sú là mặt hàng được NK nhiều nhất.

Tại dự thảo đề án cũng đã đề cập đến thực trạng sản xuất nguyên liệu tôm. Theo đó, ĐBSCL chiếm gần 91% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước với là gần 596.000 ha. Trong đó, tôm sú là hơn 580.000 ha, còn lại là tôm chân trắng. Sản lượng tôm nước lợ của vùng này đạt 431.570 tấn nhưng chỉ đáp ứng được 60-70% công suất chế biến của các nhà máy ở đây. Vì thế, để giải quyết bài toán nguyên liệu, DN phải NK để bù đắp sự thiếu hụt.

Trong bối cảnh nhu cầu tôm trên thị trường thế giới tăng cao trong khi nguồn cung lại thiếu hụt, nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến để cung ứng cho thị trường thế giới buộc các DN chế biến trong nước phải tăng cường NK.

Thậm chí có thời điểm tôm nguyên liệu NK trở thành  “cứu cánh” cho nhiều DN chế biến trong nước bởi sự cạnh tranh thu mua từ thương lái nước ngoài ngay tại những vựa tôm chính, ngay trong vụ thu hoạch chính.

Ở một số nước trên thế giới, họ áp dụng chính sách khá linh hoạt cho vấn đề này. Đó là cho phép NK nguyên liệu trong những tháng không phải chính vụ. Và hạn chế NK trong những thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, đối với tôm nuôi ở Việt Nam thì mô hình nuôi quảng canh hiện nay vẫn chiếm ưu thế với loài nuôi chủ lực là tôm sú. Tôm được thu hoạch gần như quanh năm tuy nhiên khi nhu cầu từ thị trường thế giới tăng lên thì nhu cầu NK nguyên liệu tất yếu vẫn xảy ra.

Không chỉ có vậy, giá tôm NK thường rẻ hơn so với tôm sản xuất trong nước (do chi phí sản xuất trong nước cao) cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng NK tôm nguyên liệu.

Có lẽ điều mà DN trông đợi từ cơ quan quản lý chính là tăng cường năng lực quản lý và kiểm soát chất lượng hàng XNK để đảm bảo an toàn chất lượng cho nguyên liệu đầu vào, đảm bảo ổn định sản xuất, góp phần đẩy mạnh XK chứ không phải là các quy định tạo thêm khó khăn hơn cho DN.


Có thể bạn quan tâm