Prices / Tin thủy sản

Xuất khẩu tôm: Giải pháp nào khi giá tôm giảm

Xuất khẩu tôm: Giải pháp nào khi giá tôm giảm
Author: Mai Trường
Publish date: Thursday. June 14th, 2018

Từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm tiếp tục giảm sâu gần sát giá thành khiến người nuôi ở vựa tôm ĐBSCL không khỏi lo lắng. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến người nuôi mà các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng lao đao.

Rớt giá, treo ao

Những ngày tháng 5 vừa qua, tại 4 vùng nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL là: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, đâu đâu cũng bắt gặp những ánh mắt lo lắng cho vụ tôm năm 2018. Anh Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Cái Bát (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) than: “Tôm rớt giá dữ quá, mới đầu vụ mà đã thấy lỗ hết vài trăm triệu rồi. Năm nay, HTX cải tạo ao lại chuyển lên nuôi thâm canh, siêu thâm canh khá nhiều mà giá tôm cỡ này làm sao nuôi nổi”.

Không chỉ có anh Lâm, mà ngay cả những nông dân nuôi tôm giỏi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng cùng chung tâm trạng. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 (xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), bộc bạch: “Năm ngoái trúng tôm, trúng giá nên ai cũng đầu tư lớn cho vụ này, bây giờ giá rớt gần chạm giá thành, nên nhiều thành viên HTX chưa dám thả, hoặc chỉ thả cầm chừng, còn số khác chuyển sang nuôi tôm sú để chắc ăn hơn”.

Theo thông tin cập nhật được, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg nếu bán xô (không kiểm kháng sinh) hiện giao động trong khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg, còn nếu kiểm kháng sinh đạt yêu cầu có giá 74.000 đồng/kg. Đặc biệt, tôm cỡ lớn (30 - 40 con/kg) hiện rất khó tiêu thụ dù giá chỉ khoảng 110.000 - 115.000 đồng/kg. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ: “Hiện, tôm cỡ 40 con rất ít doanh nghiệp mua vì không có hợp đồng, còn tôm cỡ 100 - 120 con đang được tiêu thụ tốt hơn nhưng giá cũng giảm sâu so cùng kỳ năm 2017”.

Xuất khẩu khó khăn

Vì sao giá tôm lại đột ngột giảm mạnh dù chưa vào vụ rộ và liệu giá tôm có phục hồi trong thời gian tới hay không, vẫn đang là câu hỏi mà người nuôi tôm còn băn khoăn và muốn rõ thông tin.

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Sóc Trăng, một trong những nguyên nhân khiến giá tôm giảm mạnh là do có sự cạnh tranh từ tôm Ấn Độ. Theo doanh nghiệp này, Ấn Độ đã vào vụ thu hoạch và rất trúng mùa, nên giá tôm thẻ 100 con/kg chỉ vào khoảng 56.000 đồng/kg. Tại thị trường tôm lớn của Trung Quốc là Quảng Đông, giá tôm cũng sụt giảm hơn 10% so năm 2017.

Ngoài việc một số nước thu hoạch tôm trúng mùa, còn có nguyên nhân khác là do lượng tôm tồn kho từ năm 2017 của doanh nghiệp trong nước và nhà nhập khẩu nước ngoài khá lớn. Hơn nữa, toàn vùng ĐBSCL năm nay vào vụ sớm hơn, nên sản lượng tôm cũng dồi dào, các nhà máy không quá bức xúc nguyên liệu như mọi năm. Mặt khác, các hợp đồng ký kết vào cuối năm 2017 sẽ được giao hàng đến hết tháng 6, nên các nhà nhập khẩu cũng chưa vội ký kết hợp đồng mới, nếu có mức giá cũng thấp hơn năm 2017 từ 10 - 15%. Cùng đó, việc xuất khẩu tôm tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó khăn, khi Chính phủ nước này đang siết chặt công tác chống buôn lậu qua biên giới.

Để đối phó với tình hình tôm rớt giá mạnh, theo các doanh nghiệp, người nuôi tôm không nên thả nuôi ồ ạt mà chỉ thả nuôi cầm chừng chờ thị trường khởi sắc trở lại mới thả nuôi mạnh. Ông Phục phân tích thêm: “Do dự đoán sản lượng tôm năm nay sẽ tăng mạnh, nên các nhà nhập khẩu đồng loạt giảm giá thu mua. Vì vậy, người nuôi không nên thả nuôi nhiều để cân bằng lại cung cầu, nhằm kéo giá mua lên”.

Bên cạnh việc giảm diện tích, quy mô thả nuôi tôm thẻ, hiện một số vùng nuôi đang rục rịch chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm sú bán thâm canh để thu hoạch tôm cỡ lớn bán có giá cao, vì hiện giá tôm sú vẫn còn khá tốt. Ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc HTX thủy sản Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Với giá tôm như hiện nay, nếu cứ đeo theo con tôm thẻ sẽ rất dễ thua lỗ. Vì vậy, tôi dự tính chuyển một phần sang nuôi tôm sú 3 giai đoạn để thu tôm cỡ lớn vì tôm sú loại 20 con/kg hiện có giá 250.000 - 270.000 đồng/kg”.

Nhưng liệu giá tôm trong thời gian tới có tăng trở lại hay không là một câu hỏi mà hầu hết các doanh nghiệp chế biến đều không ai dám đưa ra câu trả lời, mà tất cả đều cho rằng, rất khó đoán và ngay cả bản thân họ cũng hết sức thận trọng khi đàm phán hợp đồng cho 6 tháng cuối năm 2018.

Mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 được đưa ra tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam cuối năm 2017; nhưng hiện nếu không có tín hiệu tích cực từ phía xuất khẩu, nguy cơ người nuôi tôm “treo ao” hàng loạt dẫn tới thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu là hiện hữu.

>> Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, Việt Nam khó cạnh tranh với Ấn Độ về giá bán vì giá thành nuôi tôm của Ấn Độ thấp hơn nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà Ấn Độ chưa có thế mạnh.


Related news

Nuôi hàu giúp cải thiện chất lượng nước Nuôi hàu giúp cải thiện chất lượng nước

Nuôi hàu ở vùng cửa sông Potomac có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Aquatic Geochemistry.

Thursday. June 14th, 2018
Nuôi cá, trồng rau sạch ở Costa Rica Nuôi cá, trồng rau sạch ở Costa Rica

Bằng hệ thống thủy canh (aquaponic), người dân Costa Rica yên tâm trồng rau diếp, nuôi tôm và cá da trơn sạch dù năng suất chưa cao.

Thursday. June 14th, 2018
Sử dụng bột than tre trong hệ thống RAS Sử dụng bột than tre trong hệ thống RAS

Kết quả từ một báo cáo cho thấy, các hợp chất có trong bột tre đã được chứng minh là một nguồn carbon có tiềm năng để loại bỏ nitrat trong hệ thống RAS

Thursday. June 14th, 2018