Giá / Tin thủy sản

Xuất khẩu thủy sản tháng 2 ước giảm vì giá nguyên liệu tăng

Xuất khẩu thủy sản tháng 2 ước giảm vì giá nguyên liệu tăng
Tác giả: Hồng Vũ
Ngày đăng: 07/03/2017

Nhu cầu nguyên liệu từ các nhà máy tăng trở lại, đẩy giá nguyên liệu trong nước tăng mạnh nên dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 giảm 32% so với tháng trước.

Trong ảnh: Ngành thủy sản 2 tháng đầu năm: Xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu tăng.  (Nguồn: Fica) 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ước tính, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 giảm 32% so với tháng trước, xuống 351 triệu USD.

Theo đó, ước tính 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 844 triệu USD, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu thủy sản ước tăng 19% lên 196 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm do nhu cầu nguyên liệu nội địa tăng cao mà giá nguyên liệu chế biến đang xu hướng tăng so với thời điểm cuối tháng trước.

Theo đó, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đã hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Bên cạnh đó, nhu cầu thu mua cá tra của của các công ty chế biến cũng tăng cao vì tồn kho giảm và nguồn cung dự báo thiếu hụt trong cả năm 2017.

Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu loại I (800gram/con) tăng khoảng 2.500 đồng so với thời điểm cuối tháng trước, và chạm ngưỡng 25.000 đồng/kg. Bộ NN&PTNT dự báo, giá cá tra sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cùng thời điểm, tại các vùng nuôi trọng điểm như tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg tăng 20.000 đồng lên 230.000 - 240.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá tăng 10.000 đồng/kg lên 180.000 - 190.000 đ/kg. Tương tự, giá tôm thẻ chân trắng tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tháng trước.

Không những vậy, Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, chỉ trong 2 tháng đầu năm, ngành thủy sản liên tục gặp cảnh báo từ các thị trường xuất khẩu.

Trong đó, Mỹ đã ra thông báo về kỳ xem xét hoàng hôn lần thứ hai về thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam vào tháng 5 tới.

Đầu tháng 1, chính phủ Australia ra thông báo khẩn cấp lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước Châu Á trong đó có Việt Nam do lo ngại bùng phát dịch bệnh đốm trắng.

Đến đầu tháng 2, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng chuyển thông báo từ nước này cho biết từ ngày 1/4, tôm xuất khẩu của Việt Nam nằm trong diện phải kiểm dịch trước khi đưa vào thị trường nước này.

Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT ước tính sản lượng khai thác 2 tháng đầu năm tăng gần 2% lên 389 nghìn tấn.

Trong đó, khai thác biển ước tăng gần 4% lên 373 nghìn tấn và khai thác nội địa ước đạt 16 nghìn tấn.

Tính riêng tại ba tỉnh miền Trung, sản lượng khai thác trong 2 tháng đầu năm ước tăng gần 20% lên 3,5 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương tại tại Bình Định ước tăng gần 22% lên 2,3 nghìn tấn; Khánh Hòa tăng hơn 68% lên 832 tấn. Chỉ riêng Phú Yên sản lượng cá ngừ đại dương giảm khoảng 27% xuống 432 tấn.


Có thể bạn quan tâm

Cá tra “khởi duyên” đầu năm Cá tra “khởi duyên” đầu năm

Năm 2017 được dự báo sẽ có những tín hiệu tích cực với ngành cá tra Việt Nam, khi dấu hiệu từ các thị trường xuất khẩu mở ra hứa hẹn mới.

07/03/2017
Bạc Liêu: Giải pháp xây dựng “thủ phủ tôm” Bạc Liêu: Giải pháp xây dựng “thủ phủ tôm”

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, để Bạc Liêu quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để phát triển kinh tế Bạc Liêu

07/03/2017
Hà Lan: Triển vọng nuôi nhuyễn thể trên cạn Hà Lan: Triển vọng nuôi nhuyễn thể trên cạn

Được đánh giá là mô hình nuôi nhuyễn thể trên cạn đầu tiên trên thế giới đầy đủ và hiệu quả, ít gây tác động tới môi trường, trang trại của gia đình Smit&Smit

07/03/2017