Bạc Liêu: Giải pháp xây dựng “thủ phủ tôm”
Một trong những tín hiệu đáng mừng trong phát triển kinh tế tại Bạc Liêu đó là việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, để Bạc Liêu quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”. Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thành Trung (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về những cơ sở của chủ trương này cũng như một số giải pháp thực hiện trước mắt.
Trong ảnh: Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại Bạc Liêu. Ảnh: PTC
Thưa ông, dựa trên những cơ sở nào để Bạc Liêu đề ra mục tiêu trở thành “thủ phủ tôm” của ĐBSCL và cả nước?
Bạc Liêu có diện tích nuôi thủy sản hơn 128.610 ha, mỗi năm cung ứng cho thị trường 178.000 tấn thủy sản. Riêng diện tích nuôi tôm của tỉnh khoảng 180.000 ha; trong đó, khoảng 20.000 ha nuôi thâm canh - bán thâm canh. Bạc Liêu cũng là tỉnh tiên phong xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi tôm tiên tiến bậc nhất cả nước như: nuôi trong nhà kín của Công ty CP Việt - Úc tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2 giai đoạn của Công ty TNHH SX - TM Trúc Anh, một năm có thể nuôi 5 - 6 vụ, sản lượng lên đến 150 tấn/ha.
Bên cạnh, tận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù, Bạc Liêu còn phát triển vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở phía Nam Quốc lộ 1A, nuôi tôm sinh thái theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp tôm - rừng khoảng 86.200 ha. Ngoài ra, vùng chuyên lúa phía Bắc Quốc lộ 1A còn có các mô hình kết hợp tôm - lúa, lúa - tôm càng xanh, tôm - cua, tôm nuôi kết hợp các loại cá... với tổng diện tích hơn 41.250 ha. Chính sự đa dạng và độc đáo này đã tạo nên chất lượng nguồn tôm nguyên liệu tốt phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Việc đầu tư phát triển con giống cũng được tỉnh Bạc Liêu khuyến khích phát triển từ rất sớm, nên từ một tỉnh chủ yếu nhập tôm giống từ miền Trung, hiện Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống phục vụ cho cả vùng ĐBSCL, với khoảng 200 cơ sở, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 25 tỷ con post.
Còn lĩnh vực chế biến xuất khẩu như thế nào, thưa ông?
Cùng với nuôi trồng, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nằm trong tốp đầu của cả nước về giá trị, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh có 21 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm; trong đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ... với kim ngạch hơn 450 triệu USD và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Để đưa Bạc Liêu thực sự trở thành “thủ phủ tôm” của cả nước, tỉnh tập trung vào trọng tâm nào?
Tỉnh đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Theo đó, Bạc Liêu sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ về điện, giao thông, cấp thoát nước cho 12.000 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất con giống tập trung để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Cùng với con tôm sú và tôm thẻ chân trắng là chủ lực, Bạc Liêu sẽ phát triển thêm đối tượng nuôi khác có giá trị kinh tế cao như: cua biển, tôm càng xanh, cá kèo, cá chình, cá bống tượng, nghêu, sò... Việc đa dạng hóa đối tượng nuôi này vừa phát huy các lợi thế sẵn có, hạn chế rủi ro do độc canh con tôm vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến xây dựng các mô hình sản xuất bền vững và gắn với khai thác du lịch sinh thái biển.
Vậy, những giải pháp cụ thể trước mắt thực hiện mục tiêu đề ra, thưa ông?
Bạc Liêu tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư và khuyến khích mô hình liên kết với nông dân trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ cánh đồng đến nhà máy, cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất con giống chất lượng cao, sạch bệnh tại các vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh. Qua đó, từng bước đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất giống có quy mô lớn, chất lượng cao, uy tín trong khu vực và cả nước. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại và tập trung chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp, Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng rộng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic), nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng có truy xuất nguồn gốc phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi siêu thâm canh, nuôi tiết kiệm nước, nuôi nuôi an toàn sinh học... để phấn đấu đến năm 2020 có sản lượng thủy sản đạt 370.000 tấn, sản lượng chế biến 78.000 tấn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển với mức thu nhập bình quân lao động thủy sản đạt hơn 92 triệu đồng/người và tăng gấp 2 lần vào năm 2030.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, cư dân Panama và nhà khoa học triển khai giải pháp nuôi an toàn sinh học, hệ thống nuôi tôm tuần hoàn không thay nước
Giải quyết dứt điểm những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, nhiều tỉnh, thành cũng tích cực vào cuộc.
Năm 2017 được dự báo sẽ có những tín hiệu tích cực với ngành cá tra Việt Nam, khi dấu hiệu từ các thị trường xuất khẩu mở ra hứa hẹn mới.