Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Thị trường 20 tỷ đô có dễ ăn?
Tăng trưởng đến 110%
Theo một báo cáo đánh giá của VASEP, dự báo đến năm 2030, sản lượng thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng 31%, chiếm 37% tổng sản lượng thủy sản thế giới. Với mức thu nhập tăng, nhu cầu thủy sản tăng, nhất là đối với thủy sản cao cấp, Trung Quốc có tiềm năng trở thành thị trường thủy sản trị giá 20 tỷ USD vào cuối 2020.
VASEP dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong các tháng tới tại thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao để phục vụ nhu cầu cho các dịp lễ, tết cuối năm. Tuy nhiên, các DN cần có những đánh giá đầy đủ hơn về sản lượng cầu, sản lượng nuôi thực tế để cân đối tốt hơn các đơn hàng.
VASEP cho biết, tính đến nửa đầu tháng 8.2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc – Hongkong đạt 154,8 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong 7 tháng liên tiếp kể từ đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang thị trường này liên tục tăng mạnh từ 31,3 - 110% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung trong 8 tháng qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản vào Trung Quốc của các DN đạt 413,75 triệu USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự tăng trưởng liên tục này, Trung Quốc – Hongkong đang là thị trường xất khẩu lớn thứ 3 của các doanh nghiệp (DN) cá tra Việt Nam, sau Mỹ và EU.
Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú nhận định, Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam. Bên cạnh điểm mạnh là nhu cầu liên tục tăng cao, Trung Quốc cũng khá dễ dãi trong khâu chất lượng. Tuy nhiên, gần đây chính phủ nước này đang tiến tới thắt chặt hơn các tiêu chuẩn nhập khẩu thủy hải sản bằng yêu cầu các nhà máy chế biến phải có code (mã) vào Trung Quốc; nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được phê chuẩn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây dựng một số rào cản kỹ thuật để nâng chất lượng thủy sản nhập khẩu vào nước này…
Ông Quang cho rằng, nếu Trung Quốc quản lý chất lượng tốt hơn sẽ là cơ hội để Minh Phú mở rộng thị trường. Do đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 vừa qua, Minh Phú đã bắt đầu có định hướng phát triển thị trường qua Trung Quốc trong thời gian tới.
Đối với cá tra, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này vào Trung Quốc của một DN lớn là Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Riêng quý I.2016, doanh thu xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn vào Trung Quốc đã tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, do đó Vĩnh Hoàn cũng xác định Trung Quốc là thị trường mục tiêu trong những năm tới.
Cẩn trọng vẫn hơn
Mặc dù Trung Quốc được đánh giá là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng, giúp tháo gỡ sự bế tắc trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào một số thị trường lớn, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng DN cần thận trọng hơn khi đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này.
Mới đây, VASEP đã có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Trong đó, VASEP phản ánh tình trạng nhiều thương lái, DN Trung Quốc đặt hàng và thu mua cá tra cỡ lớn (loại trên 1kg/con) đã gây nên tình trạng thừa cá tra cỡ lớn và làm giảm mạnh giá cá tra nguyên liệu trong quý II.2016.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho biết, trong quý I, giá cá tra nguyên liệu tại một số tỉnh trọng điểm ĐBSCL tăng mạnh lên mức từ 19.000 - 22.500 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc tìm mọi cách nâng giá cá cỡ lớn để gom hang nên nhiều hộ nuôi đã chủ động tăng sản lượng cá quá lứa để bán với giá cao mà không quan tâm tới chất lượng cá, thịt trắng hay thịt vàng. Tuy nhiên, đến tháng 7.2016, thương lái Trung Quốc đột ngột giảm mua, khiến giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Riêng cá tra quá lứa thì gần như nằm im trong ao không tiêu thụ được, hoặc bà con phải chấp nhận bán giá quá thấp, chỉ 16.000 - 17.000 đồng/kg. Tình trạng này kéo dài cho đến nay, khiến giá cá tra tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, khiến người nuôi lỗ nặng.
Trong khi đó, đại diện một DN xuất khẩu thủy sản tại Tiền Giang cho rằng, Trung Quốc quản ngoại tệ rất chặt nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế, trong khi hầu hết các DN thu mua của Trung Quốc chưa thực hiện phổ biến theo thông lệ quốc tế bằng thư tín dụng L/C. Do đó, việc xuất khẩu vào thị trường này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Related news
Nhiều đại biểu cùng đề nghị như vậy tại Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp với chủ đề “Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức ngày 23.9 tại Tuyên Quang.
Dù chỉ sở hữu ao nuôi rất nhỏ với 1.200m2 nhưng do say mê tìm tòi học hỏi, ông Đặng Ngọc Vạn ở xã Vạn Hạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vẫn bỏ túi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Chỉ cần thả lưới đúng thời điểm và đúng chỗ chắc chắn cá sẽ vào lưới nhanh, đó chính là kinh nghiệm bắt cá rô phi lâu năm của người dân vùng biển.