Xuất Khẩu Sang Châu Âu Gặp Khó
Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Sáng 26/7, ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Agifish An Giang tức tốc mua vé máy bay đi Ai Cập gặp gỡ khách hàng, tìm lối ra cho các hợp đồng xuất khẩu cá tra. “Nhiều khách hàng đề nghị giao hàng chậm vài tuần so với kế hoạch nên tôi phải sang đàm phán lại với họ”, ông Ký nói.
Thị trường châu Âu chiếm 40% sản lượng cá tra xuất khẩu của Agifish. Thông thường, từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm, thị trường này bước vào mùa nghỉ hè nên cả người bán, người mua chỉ thực hiện giao hàng đối với hợp đồng đã ký trước. Năm nay, nhà nhập khẩu liên tục thông báo giãn thời gian giao hàng, thậm chí là hạ giá mua do khó khăn tài chính, thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh trong nước cũng siết chặt tín dụng, lãi suất vay và các chi phí quá cao, theo ông Ký, đơn hàng càng chậm giải phóng, doanh nghiệp càng gánh chi phí tăng thêm.
Điểm khó khăn chung nhất mà các đối tác châu Âu đang gặp phải, theo doanh nghiệp xuất khẩu, là họ bị ngân hàng hạn chế tín dụng.
Đối với hàng thuỷ sản, do bị cắt giảm định mức tín dụng nên nhà nhập khẩu không thể mua hàng dự trữ cho mùa tiêu thụ cuối năm. Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 828,6 triệu USD, tuy tăng 27% so với cùng kỳ nhưng các thị trường như Tây Ban Nha, Ai Cập, Hà Lan, Đức… đã bị sụt giảm tới 50%, chứ không còn tăng trưởng như các năm trước. Trung bình, giá 1 ký philê cá tra xấp xỉ 3 USD, giảm 0,2 – 0,3 USD.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nói rằng, tình hình xuất khẩu cá tra sang EU tháng 7 này còn tệ hơn, do mọi hoạt động mua bán bị đóng băng.
“Chúng tôi đang rối trí, lượng nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ xuất khẩu được 50%, còn lại phải lưu kho”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp rầu rĩ nói. Với giá nguyên liệu 22.000 – 24.5000 đồng/kg như hiện nay, tính ra giá thành của 1 ký philê cá tra xuất khẩu vào khoảng 55.000 đồng. Cứ mỗi ký cá tồn kho, một tháng, doanh nghiệp tốn thêm 1.425 đồng (gồm 825 đồng lãi suất, 600 đồng phí lưu kho).
Ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Công ty Cổ phần Hùng Vương nói: “Đầu tháng 9 tới đây, khi thị trường châu Âu vào mùa tiêu thụ, khách hàng nhập khẩu trở lại, giá tăng thì bán được hàng, còn nếu khách vẫn khó khăn thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro rất lớn”.
Mặt hàng dệt may cũng tương tự. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, trong hơn một tháng trở lại đây, rất khó tìm kiếm hợp đồng mới cho đơn hàng vào EU. Ông Hồng cho rằng, suy giảm xuất khẩu sang EU mới chớm, có thể ảnh hưởng mạnh hơn vào năm 2012 nếu tình trạng nợ công và kinh tế của EU không được cải thiện
Có thể bạn quan tâm
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với UBND phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) tổ chức hội thảo đầu bờ tổng kết chương trình IPM về biến đổi khí hậu trên cây lúa vụ hè thu năm 2012 với 30 học viên tham gia.
Vài năm qua người nuôi bò sữa thực sự có lãi nhờ giá thu mua của các nhà máy chế biến khá cao nên có xu hướng phát triển bền vững hơn. Bên cạnh hộ gia đình đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của các công ty chế biến sữa như Vinamilk, TH milk, Future milk, Mộc Châu milk… Thế nhưng, chăn nuôi bò sữa không chỉ có cơ hội mà còn gặp những thách thức mới.
Nằm giữa sông Tiền, cù lao xã Ngũ Hiệp được phù sa bồi đắp thích hợp cho các loại cây có múi giá trị kinh tế cao: Sầu riêng hạt lép giống Monthong và Ri 6.