Giải Pháp Nào Để Ngăn Chặn Tình Trạng Đốn Bỏ Ca Cao?
Diện tích ca cao bị đốn bỏ hoặc chết đến đầu tháng 7-2013 ở Bến Tre là rất lớn, khoảng 1.943ha (chết 536ha). Trong đó, thành phố Bến Tre đốn 147,11ha; Châu Thành đốn 367ha; Giồng Trôm đốn 367ha, chết 536ha; Mỏ Cày Nam đốn 14ha, Bình Đại đốn 13ha.
Trước tình hình ca cao bị đốn bỏ, nông dân không quan tâm đến việc đăng ký trồng mới. Mặt khác, phương thức đầu tư cho cây ca cao giống năm 2013 phải được đấu thầu, Nhà nước chỉ hỗ trợ 40% giá cây giống, nhà cung ứng giống hỗ trợ 20%, còn lại 40% nông hộ phải có vốn đối ứng.
Để ngăn chặn việc tiếp tục đốn ca cao, Ban Điều hành Dự án ca cao (BĐH) tập trung chỉ đạo, phối hợp tích cực với các địa phương tiếp tục tổ chức họp phân tích mục đích, ý nghĩa, hiệu quả, tiềm năng, triển vọng của việc phát triển trồng ca cao xen trong vườn dừa của tỉnh và triển khai cho nông dân đăng ký trồng mới theo chỉ tiêu và tiến độ phù hợp.
Ngày 18-7-2013, BĐH Dự án ca cao đã tổ chức họp đánh giá việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, đề ra các giải pháp thực hiện đến cuối năm 2013, do ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng Ban chỉ đạo Dự án ca cao chủ trì. Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích, đánh giá thực trạng và đưa ra nhiều giải pháp cứu lấy ca cao.
Thời gian qua có hiện tượng người dân đốn ca cao do giá xuống thấp so với các năm trước, giá bưởi da xanh tăng cao nên người dân chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, ở một số nông hộ, việc đốn bỏ ca cao còn do tỉa thưa, hoặc loại bỏ các cây cho năng suất thấp do thiếu đầu tư, chăm sóc. Cần quan tâm ở các vùng xa hoặc các nơi mới phát triển diện tích chưa có cơ sở thu mua sơ chế tại chỗ nên giá bán thấp hơn các nơi khác nên người dân chưa an tâm đầu tư.
Theo đại diện Công ty Thành Hưng Thịnh, diện tích bị đốn chưa ảnh hưởng nhiều đến sản lượng của tỉnh, vì đa số những nơi này thiếu chăm sóc, kỹ thuật kém nên năng suất không đáng kể. Dự báo sản lượng ca cao của tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nên ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất ca cao theo hướng liên kết như việc sản xuất ca cao chứng nhận vì mang lại hiệu quả rõ rệt.
Bến Tre được đánh giá là địa phương thành công trong việc trồng ca cao xen trong vườn dừa, với sản lượng khoảng 1.400 tấn hạt khô/năm. Thời gian tới, Công ty Cargill (Chương trình sản xuất ca cao chứng nhận UTZ) sẽ hợp tác cùng Sở NN&PTNT thông qua Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (TTKN-KN) chuyển giao những kỹ thuật canh tác ca cao mới cho cán bộ kỹ thuật và nông dân, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế hơn nữa.
Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc TTKN-KN, một số thông tin cho rằng việc trồng xen ca cao gây ảnh hưởng xấu đến dừa là thiếu chính xác về mặt cơ sở khoa học cũng như thực tế. Nhiều nông hộ qua nhiều năm canh tác nhận thấy, nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ tác động tăng năng suất cả ca cao và dừa.
Khác với miền Đông và Tây Nguyên, việc trồng xen ca cao trong vườn dừa tại Bến Tre tạo nên sự phát triển bền vững, hiệu quả thiết thực. Hiện có 40% nhà vườn trồng chăm sóc tốt, 30% trồng thiếu chăm sóc và 30% trồng không chăm sóc nên không hiệu quả.
Ông Lê Phong Hải đã chỉ đạo tại hội nghị ngày 18-7 như sau: Trong thời gian tới, cần quan tâm phát triển ca cao phải tính đến hiệu quả, bền vững, gắn với an sinh xã hội; BĐH cần tham mưu cho Sở có kế hoạch phối hợp thông tin tuyên truyền với các đoàn thể; TTKN-KN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của việc trồng xen ca cao đối với cây dừa. Và việc trồng xen ca cao trong vườn cây ăn quả cần tính toán điều kiện canh tác, mật độ phù hợp ngay từ đầu để không phải đốn bỏ sau này.
Kiên quyết không thực hiện mang tính phong trào, chú trọng nhiều đến chỉ tiêu chất lượng. Không trồng ca cao ở những nơi không phù hợp về đất đai, điều kiện canh tác, thiếu lao động chăm sóc. Giao cho BĐH chủ trì thực hiện các mô hình tổ chức sản xuất gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp. Các huyện cần tiếp tục thực hiện việc triển khai đăng ký trồng mới, xác định rõ lượng giống cần.
Có thể bạn quan tâm
Chăn nuôi là thế mạnh của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) nhiều năm qua, mặc dù vậy, người sản xuất ở huyện Bảo Thắng hiện đang phải sản xuất "cầm chừng" bởi những khó khăn do khách quan.
Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, tổng diện tích thả nuôi thủy sản từ đầu năm đến nay trên địa bàn được 3.461ha, đạt 34,77% kế hoạch và bằng 68,41% cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh là 213,57ha, đạt 20,73% kế hoạch; có 491 vèo cá được thả nuôi trên các tuyến sông gồm cá thát lát, cá lóc, bống tượng...
Vừa qua, tại UBND xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã diễn ra hội thảo sơ kết 2 năm thực hiện đề tài "Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất và chất lượng xoài cát Hòa Lộc theo hướng GAP", do PGS.TS. Trần Văn Hâu - Trường Đại học Cần Thơ chủ trì.