Xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh do Farm Bill
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩuThủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra trong tháng 8 vừa qua (tháng đầu tiên Bộ Nông nghiệp Mỹ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn NK theo Đạo luật Farm Bill), đã bị giảm mạnh.
Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã giảm mạnh so với tháng 7 và so với cùng kỳ 2016. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 8 chỉ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7 và giảm 54,8% so với tháng 8/2016. Nhà xuất khẩu cá tra lớn là Cty Vĩnh Hoàn, trước đây xuất khẩu sang Mỹ bình quân 250 container/tháng, trong tháng 8 chỉ xuất được 130 container.
Rõ ràng, việc Mỹ tiến hành kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn NK theo Đạo luật Farm Bill đã tác động ngay tới xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này. Thông tin từ các DN xuất khẩu cá tra cho thấy, đã xuất hiện những khó khăn lớn đối với cá tra Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ.
Trước hết là tình trạng quá tải. Đến thời điểm này, các DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã ghi nhận việc một số nhà NK lớn đã có kho riêng được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xét duyệt làm I-house. Nhưng đa số các cảng vẫn đang thiếu nhân viên kiểm tra của Cơ quan Thanh tra và ATTP (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Vì vậy, thời gian trung bình từ lúc hàng vào kho và xin lịch kiểm cho đến ngày kiểm hàng trung bình là 6 ngày. Đa số kiểm sát viên phải kiểm hàng ở ít nhất 2-3 kho/ngày, làm giảm số lượng container hàng có thể kiểm, tăng thời gian chờ đợi cũng như chi phí kho và chậm việc lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Chương trình kiểm tra hàng đến của FSIS làm tăng chi phí khoảng 0,1-0,25 USD/kg sản phẩm (tương đương 3-7% giá bán), qua đó làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của cá tra trên thị trường Mỹ.
Việc thực hiện kiểm tra 100% lô hàng đến còn làm mất rất nhiều thời gian chờ đợi trước khi sản phẩm được chính thức cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ. Cho đến nay, Cty Vĩnh Hoàn có gần 200 container được kiểm và chấp thuận với thời gian bình quân là 10 ngày kể từ khi hàng đến cảng. Trong trường hợp hàng thuộc chế độ kiểm tại phòng thí nghiệm độc lập thứ 3 thì sẽ mất tổng cộng 1-2 tháng tùy theo mức độ yêu cầu hồ sơ từ cơ quan FSIS địa phương.
Bên cạnh đó, DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ còn đối mặt với những khó khăn lớn khác. Chẳng hạn, theo quy định, sau thời gian chuyển đổi 18 tháng, sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Mỹ phải tuân thủ các quy định ghi nhãn của USDA với sự khác biệt khá lớn so với quy định của FDA trước đây. Mặc dù USDA có hướng dẫn, nhưng bản thân họ cũng không tránh khỏi những lúng túng trong thời gian đầu. Điều này khiến cho DN gặp nhiều khó khăn, mất thời gian để hỏi và nhận được những hướng dẫn đôi khi mâu thuẫn và thay đổi đột ngột.
Đặc biệt, vào ngày 21/8, FSIS mới công bố hướng dẫn bổ sung về ghi nhãn cho cá tra, khiến cho DN không kịp thay đổi những bao bì được in ấn theo quy định cũ, nên bị thiệt hại không nhỏ. Điển hình là Cty Vĩnh Hoàn hiện tồn kho bao bì cho hơn 150 container với chi phí hơn 5 tỷ đồng mà không sử dụng được...
Ngày 24/8, một số cơ quan FSIS địa phương ra thông báo sẽ bắt đầu kiểm ghi nhãn vào 1/9 tính theo ngày hàng được xếp lịch kiểm. Trong khi đó, khi áp dụng kiểm hàng vào ngày 2/8, họ tính theo ngày thông quan. Tại cuộc họp của FSIS với các DN vào ngày 27/6, FSIS cũng xác nhận sẽ sử dụng ngày thông quan là 1/9. Thông thường hàng hóa đến Mỹ sẽ được thông quan khoảng 5 ngày trước khi hàng đến. Nhưng do thời gian giao hàng đến kho và xin lịch kiểm của FSIS kéo mà có một số lô hàng đã thông quan ngày 11/8, đến nay vẫn chưa có lịch kiểm. Nghĩa là các lô hàng này lẽ ra không thuộc diện phải tuân thủ quy định ghi nhãn mới, nhưng do cách tích thay đổi của FSIS và do khoảng thời gian khá dài từ lúc thông quan đến khi có lịch kiểm mà sẽ bị từ chối NK. Đến thời điểm này, riêng Cty Vĩnh Hoàn đã có 6 lô hàng bị thông báo từ chối NK do ghi nhãn…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thách thức và ảnh hưởng ban đầu. Farm Bill là một rào cản thương mại lớn, là công cụ hữu hiệu để Chính phủ Mỹ bảo hộ nền công nghiệp cá catfish nội địa, đồng thời là cái nền để họ có thể dễ dàng thực hiện cho các thủy sản nuôi khác như tôm và cá rô phi. Vì vậy mối nguy Việt Nam phải ngưng xuất khẩu cá tra sang Mỹ là không nhỏ, khi mà ngoài việc kiểm tra 100% lô hàng đến tại cảng, Farm Bill còn có một chương trình đánh giá điều kiện tương đồng của nước xuất khẩu khá phức tạp.
Trước tình hình đó, trong công văn gửi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám ngày 8/9/2017, VASEP đã đề xuất một số kiến nghị về các bước đi chiến lược có thể giúp ngành cá tra giữ được thị trường hiện đang chiếm 25% thị phần cá tra xuất khẩu .
Theo đó, VASEP đề nghị Bộ NN-PTNT có thư phản ánh, kiến nghị tới USDA rằng các DN trong toàn chuỗi xuất khẩu, NK và phân phối cá tra chưa thể sẵn sàng cho việc thực thi chương trình kiểm soát của Farm Bill vào 1/9/2017. Thị trường cần thêm thời gian để tránh những bấn ổn, thiệt hại kinh tế cho cả 2 quốc gia. VASEP và các DN cũng kiến nghị Chính phủ tiến hành kiện ra WTO về chương trình thanh tra cá da trơn theo Đạo luật Farm Bill của Mỹ.
Đồng thời VASEP cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT để xuất với USDA kéo dài thời hạn áp dụng từ chối nhận hàng vì lý do ghi nhãn đến ít nhất là cuối tháng 12/2017.
Related news
Một trong những khó khăn của việc phát triển nghề nuôi cá chình hiện nay là nguồn giống, do hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên.
I-house (kho kiểm tra hàng hoá, do USDA chỉ định) với số lượng hạn chế, là cửa ải làm doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào Mỹ mất rất nhiều công sức & rủi ro rất cao
Nếu cuộc đời như một trang sách đã được định dạng, ai đó viết sẵn như kịch bản thì cha – con ông theo đuổi ngành thuỷ sản, rất khó chấp nhận.