Xử Lý Chôm Chôm Nghịch Lợi Nhuận Gần 100 Triệu Đồng/năm
Những năm gần đây, nông dân xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật xử lý chôm chôm ra hoa trái vụ, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều nông hộ, trong đó có anh Huỳnh Văn Chiến ở ấp Tân Luông A.
Gia đình anh Chiến có 6 công vườn trước đây trồng nhãn da bò. Năm 1990, đầu ra cây nhãn không ổn định anh mạnh dạn đốn bỏ trồng 3 công chôm chôm Java và 3 công chôm chôm nhãn. Bốn năm sau, vườn chôm chôm cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nếu để chôm chôm ra hoa mùa thuận thì hàng sẽ dội chợ, bán giá không cao. Năm 1996, thông qua tập huấn khuyến nông - khuyến ngư và học tập các mô hình sản xuất chôm chôm đạt hiệu quả ở địa phương, anh Chiến xử lý chôm chôm ra hoa mùa nghịch, vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm chôm chôm ra hoa không đồng loạt, tỉ lệ đậu trái ít, sản lượng thấp nhưng bán giá cao, thu lợi nhuận khá.
Qua đúc kết kinh nghiệm, không bao lâu anh đã thành thạo kỹ thuật xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Vụ chôm chôm nghịch năm 2012, anh thu hoạch, năng suất đạt 30 tấn/ha, giá chôm chôm Java 15.000 đồng/kg và chôm chôm nhãn 25.000 đồng/kg. Nhiều năm liền anh xử lý chôm chôm nghịch vụ được mùa, trúng giá, lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm, xây dựng nhà ở khang trang, đủ tiện nghi.
Chủ động cung cấp chôm chôm nghịch vụ cho thị trường anh Chiến cho biết: Khoảng tháng 5 âm lịch dùng màng nylon đậy kín gốc và bơm nước cạn trong mương; 50 ngày chôm chôm ra bông, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, tăng tỉ lệ đậu trái trên cây và cho năng suất cao. Thu hoạch xong mùa vụ là phải tỉa bỏ chồi, cành vô hiệu và bón thúc phân giúp cây sớm phục hồi.
Năm 2010, được sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả miền Nam, xã Tân Phong thành lập Tổ sản xuất chôm chôm VietGAP. Đây là tín hiệu vui cho nhà vườn trồng chôm chôm, anh Chiến cùng bà con trong khu vực tham gia sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Áp dụng qui trình này, tổ viên xây dựng nhà vệ sinh, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nơi pha thuốc và chứa vỏ thuốc sau khi sử dụng, cập nhật sổ sách theo đúng qui định, đồng thời phun thuốc theo phương pháp "4 đúng", chi phí giảm khoảng 20% so với các vườn nằm ngoài dự án. Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền anh Huỳnh Văn Chiến đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Có thể bạn quan tâm
Trong bối cảnh rầy nâu gây hại trên diện rộng, nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt 8,62 tấn/ha. Trừ chi phí, nông dân lãi từ 23 đến 24 triệu đồng mỗi ha
Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập (Ba Lập), ngụ tại ngọn (đầu nguồn) rạch Cầu Ván thuộc địa bàn ấp 4, xã Cẩm Sơn. Trong những năm qua, ông là người nhạy bén trong việc chuyển dịch sản xuất từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh mít mang lại hiệu quả cao
Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được