Xây Nhà “Dụ” Chim Yến Ở Lộc Thành (Lâm Đồng)
Trong thời gian vừa qua, một số người dân ở TP Bảo Lộc nuôi chim yến. Và gần đây, ở xã Lộc Thành (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cũng có người đã mạnh dạn bỏ tiền tỷ ra xây nhà để “dụ” chim yến về làm tổ.
Cũng giống như ở các địa phương khác, mô hình nuôi chim yến ở xã Lộc Thành cũng theo phương pháp “dẫn dụ” (dùng máy phát ra âm thanh để gọi bầy, “dụ” yến về làm tổ). Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Văn Tèo (40 tuổi) quê gốc Bình Định vào sinh sống ở thôn 12, xã Lộc Thành, cho biết: “Ở quê Bình Định, nghề nuôi yến là nghề “gia truyền” của gia đình nhà tôi. Tôi vào đây cũng đã làm đủ các thứ nghề. Sau khi tìm hiểu, cách đây hơn 2 tháng, tôi mạnh dạn xây nhà để “dụ” chim yến về làm tổ”. Theo anh Tèo, điều quan trọng là người nuôi yến cần có kiến thức, tìm hiểu đặc điểm sinh học của loài chim yến. Nếu không nắm được đặc tính sinh học, đôi khi áp dụng đúng kỹ thuật nhưng “dụ” chim vẫn không vào nhà để làm tổ hoặc vào rồi lại bỏ đi. Anh Tèo cho biết thêm: “Không phải bỗng nhiên tôi mạnh dạn đầu tư gần 700 triệu đồng để xây nhà nuôi chim yến. Bởi vì tôi có người anh họ chuyên về ngành này và đang mang lại thu nhập rất cao ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Nhờ vậy, tôi có điều kiện để học hỏi kinh nghiệm. Khi xây nhà gọi yến, anh trai tôi cũng là người trực tiếp hướng dẫn kinh nghiệm và kỹ thuật làm sao gọi và “giữ được chân” yến cho tôi”.
Căn nhà gọi yến của anh Tèo được xây dựng theo hướng đông - bắc, cao khoảng 13m, với tổng diện tích hơn 110 m2. Toàn bộ lỗ thông gió, cửa sổ được bít kín, chỉ để một khoảng trống lớn trên cao cho chim ra, vào. Tường, vách của nhà cũng được xây dựng kiên cố nhằm tăng độ cách âm. Hệ thống máy phun nước (dạng tia) được lắp đặt ở nhiều vị trí trong ngôi nhà và liên tục hoạt động, nhằm điều hoà nhiệt độ thích hợp... Cũng theo Anh Tèo, làm như vậy là do loài chim yến rất “khó tính”. Chim thường ưa bóng tối, thích hợp độ ẩm cao từ 80 - 95%, nhiệt độ từ 27 - 28 độ C. Hiện nay, nhà gọi yến của anh cũng đã có hơn 10 cặp yến đến ở và chúng còn dẫn hàng trăm con về bay lượn luẩn quẩn ra, vào trong ngôi nhà này… “Nếu gặp thuận lợi, yến về nhiều như hiện tại, chắc chắn cuối năm 2013, tôi sẽ có mẻ sản phẩm tổ yến thô đầu tiên cho ra thị trường. Nếu được thế, thì chỉ 3 năm sau sẽ thu lại vốn xây nhà và sau đó thoả sức hưởng tuổi già…”. Anh Ngô Văn Tèo kỳ vọng nói.
Hiện nay, xã Lộc Thành đã có 2 hộ gia đình nuôi chim yến; song, chưa có hộ nào có tổ yến khai thác. Do còn mới mẻ, chưa nắm bắt được kỹ thuật nên việc gọi yến còn gặp không ít khó khăn. Trong suy nghĩ của họ thì trước mắt nuôi yến là chờ vào “thời vận”. Gia đình ông Lê Văn Thảo (45 tuổi) ở thôn 8, xã Lộc Thành, là một trong những gia đình có kinh tế khá giả ở địa phương, đã bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để thuê chuyên gia từ TP Hồ Chí Minh về xây nhà “dụ” chim yến. Anh Thảo cho biết: “Gia đình tôi mạnh dạn đầu tư xây nhà gọi yến cũng ví như mua một chiếc xe hơi để đi chơi vậy. Thay vì không đi, mình “trùm mền” để đó, biết đâu may mắn, thời vận đến, lúc đó yến đẻ ra “tiền” tha hồ mà nhặt!…”.
Trên thực tế, tại TP Bảo Lộc, hiện nay giá yến thương phẩm thô khoảng 35 - 40 triệu đồng/kg. Nếu qua sơ chế, giá thành sẽ cao hơn nhiều (bình quân 80 tổ yến được 1 kg yến thô). Được biết, hiện nay trên toàn TP Bảo Lộc đã có khoảng 10 nhà “dụ” chim yến được xây dựng. Việc nuôi chim yến chỉ mới “tự phát”, nên chính quyền và ngành chức năng ở địa phương chưa quản lý, chưa quy hoạch vùng nuôi. Ông Dương Hoài Xuân - Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, cho biết: Do có khí hậu tương đối mát mẻ, nguồn phù du và côn trùng rất phong phú, có hệ thống sông suối, hồ nước nhiều (như sông Đồng Nai, Đại Bình, hồ thuỷ điện Đa Mi - Hàm Thuận…) là điều kiện Lộc Thành (nói riêng) có thể nuôi được chim yến. Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao “gọi” được chim yến về và “giữ” được chim yến ở lại.
Related news
Xã đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có nguồn nước lợ và bãi cỏ xanh tốt về mùa mưa nhưng mùa nắng lại phải đối mặt với những khó khăn thường gặp như khô hạn và thiếu nước ngọt.
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm - cua - sò huyết trong cùng diện tích canh tác ở các xã vùng ven biển của huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu… Huyện An Biên có 4 xã ven biển, gồm: Nam Thái, Nam Thái A, Tây Yên, Nam Yên. Trong đó xã Nam Thái A có diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều nhất của huyện, diện tích thả nuôi thủy sản kết hợp tôm – cua - sò huyết trên cùng một diện tích khoảng 272 ha, tập trung ở các ấp Xẻo Quao A, Xẻo Đôi, Bảy Biển và Xẻo Vẹt với 52 hộ nông dân thực hiện mô hình.
Đi thăm vườn ổi sai trĩu quả chen trong màu hoa trắng và cành lá xanh mướt của anh Tạ Văn Hồng, 48 tuổi tại khu vực Gò Rít - Dóc Trang (xã Phú Lạc - Tuy Phong - Bình Thuận) thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu.