Giá / Tin nông nghiệp

Xây dựng thương hiệu quốc tế cho siêu trái

Xây dựng thương hiệu quốc tế cho siêu trái
Tác giả: Huỳnh Xây
Ngày đăng: 04/05/2016

Thưa ông, vì sao thời gian qua, xuất khẩu trái cây của Việt Nam luôn tăng, đặc biệt là năm 2015, lần đầu tiên rau quả xuất khẩu vượt ngưỡng 2 tỷ USD?

- Trong khoảng 6 năm qua, xuất khẩu trái cây Việt Nam luôn tăng, năm sau tăng hơn năm trước đó. Sở dĩ được như vậy là do trái cây chúng ta có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ngoài ra, người dân còn biết cách làm rải vụ nên sản phẩm bán ra có giá cao, ít xảy ra trường hợp cung vượt cầu, theo đó thu nhập của người dân cũng tăng theo. Hiện người trồng trái cây như thanh long, cam, bưởi,…áp dụng các biện pháp kỹ thuật cao có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cây lúa.

Thế mạnh của ĐBSCL là có nhiều loại trái cây ngon, vậy chúng ta phát huy lợi thế này như thế nào, thưa ông?

“Các nước như Mỹ, New Zealand, Nam Phi... đã có thương hiệu trái cây rất nổi tiếng. Thương hiệu đó đạt được phải bắt đầu bằng một chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ với người nông dân, làm theo quy trình khép kín, có kiểm tra chứ không phải đi mua rồi về đóng thùng, dán nhãn công ty mình lên rồi xuất khẩu được. Trong quá trình này, ở 1 hoặc 2 loại trái cây đặc sản chỉ cần 1 doanh nghiệp đủ mạnh tham gia, tập trung xuất khẩu thôi, tránh cạnh tranh nhau không lành mạnh”.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu

- Những loại trái cây mà chúng ta xuất khẩu thời gian qua là những giống ngon, cụ thể như: xoài cát Hoà Lộc, bưởi da xanh, quýt đường, thanh long ruột đỏ, chôm chôm nhãn, sầu riêng Ri 6…Người dân đã trồng những loại trái ngon trên để gia tăng xuất khẩu và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, nhiều người tiêu dùng đã biết đến trái ngon của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề trái cây ngon, thế giới còn cho rằng Việt Nam có nhiều “siêu trái”, cụ thể là có xoài cát Hoà Lộc và thanh long. Ở các nước khác thì có siêu trái là lựu, măng cụt, cam, quýt, mơ, vải… “Siêu trái” có nhiều định nghĩa khác nhau, mỗi nước lại có một quan điểm riêng nhưng có thể hiểu nôm na là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao, mang lại sức khoẻ cho con người.

Theo PGS, hạn, mặn nghiêm trọng tác động trực tiếp đến khu vực ĐBSCL có là rào cản, ảnh hưởng đến xuất khẩu trái cây trong thời gian tới không?

- Tôi nghĩ là có vì hiện nay, hạn, mặn đã xâm nhập mạnh và sâu đến nhiều vùng trái cây ở ĐBSCL. Nhà nước phải quan tâm đầu tư triển khai các đề tài giống cây chịu mặn, bố trí lại các vùng sản xuất cây trái cho phù hợp. Về cây chịu mặn, trước đây, tôi cũng đã nghiên cứu, ghép thành công trên cây xoài, các loại cây có múi, bây giờ các cơ quan chuyên môn phải làm trên các loại cây khác để kịp thời đưa xuống dân sản xuất.

Bên cạnh các HTX làm ăn hiệu quả, thực tế ở ĐBSCL, rất nhiều HTX trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chưa có đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra bằng giá thị trường trôi nổi trong nước. Vậy theo ông phải làm như thế nào?

- Nhà nước phải can thiệp nhanh, có chính sách hỗ trợ, không để các HTX tự bơi. Thực tế, vấn đề mà phóng viên đề cập đã nói lâu rồi nhưng Nhà nước vẫn chưa chú ý, làm mạnh ở khâu triển khai gắn logo trái cây an toàn. Phải có 1 logo để HTX dán lên, từ đó người tiêu dùng biết đó là sản phẩm của người Việt Nam, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Vấn đề này một số nước trên thế giới đã làm rất hiệu quả, người dân làm ra sản phẩm an toàn rất yên tâm vì biết rằng sẽ bán dễ dàng. Không gắn logo thì sản phẩm an toàn và không an toàn cũng giống nhau về mặt hình thức. HTX là giải pháp duy nhất để phát triển vùng sản xuất lớn, chất lượng trái cây đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với sự giám sát của nhà nước và đơn vị ký kết thu mua. Vì vậy, ngoài việc quy hoạch phát triển sản xuất, Nhà nước cần tạo cơ chế hỗ trợ sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với tình hình sản xuất mới.

Thương hiệu rất quan trọng đối với việc xuất khẩu trái cây. Đến nay, trái cây của Việt Nam đã có thương hiệu chưa và việc xây dựng thương hiệu có khó không, thưa ông?

- Chúng ta chỉ có thương hiệu trong nước thôi, vẫn chưa có thương hiệu quốc tế. Để xây dựng được thương hiệu, có tiếng tăm trên thế giới, cần phải có rất nhiều nỗ lực, kiên trì và có thể mất vài chục năm, trải qua nhiều thế hệ giống như xây dựng một viện nghiên cứu.

Xin cám ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả từ mô hình bán phân bón trả chậm Hiệu quả từ mô hình bán phân bón trả chậm

Trồng lúa ở các xã Đại Thắng, Cộng Hòa; trồng lạc, khoai tây vụ đông ở xã Liên Minh; sử dụng phân bón NPK khép kín cho lúa xuân ở xã Hợp Hưng…

04/05/2016
ĐBSCL mất 80 triệu tấn phù sa dân thất mùa, đe dọa cả vùng ĐBSCL mất 80 triệu tấn phù sa dân thất mùa, đe dọa cả vùng

Theo nhiều nhà khoa học vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn có thể can thiệp bằng nhiều giải pháp nhưng nếu thiếu hụt phù sa thì không có cách nào khắc phục, không có giải pháp công trình nào có thể ngăn chặn được quá trình sạt lở bờ biển.

04/05/2016
Chăn nuôi độc, lạ sẽ thắng Chăn nuôi độc, lạ sẽ thắng

Những ngày vừa qua, thông tin nhiều chủ trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã khiến người tiêu dùng lo lắng, những hộ chăn nuôi chân chính thì sợ không bán được sản phẩm.

04/05/2016