Kiểm Soát Việc Nhập Lậu Cá Tầm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh biên giới gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu chỉ đạo các ban, ngành trong tỉnh như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Thú y... tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý triệt để các vụ nhập lậu thủy sản qua biên giới đặc biệt là cá tầm.
Bên cạnh đó, tăng cường điều tra nắm tình hình, đấu tranh và triệt phá các đối tượng đầu nậu, các địa điểm tập kết, thu gom thủy sản nhập lậu qua biên giới. Nghiêm cấm việc xác nhận để hợp thức hóa nguồn gốc đối với thủy sản không rõ nguồn gốc, nhập lậu qua biên giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thú y, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thủy sản lưu thông trong nước; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thủy sản không rõ nguồn gốc, vận chuyển trên xe chở khách, không cho phép tiếp tục lưu hành khi chưa thực hiện đầy đủ việc xử lý đối với hàng hóa và vệ sinh, khử trùng phương tiện vận chuyển.
Tại cuộc họp với các công ty nuôi cá tầm của Việt Nam do VASEP tổ chức, đại diện Đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cho đến nay chưa có đơn vị nào đăng ký nhập khẩu cá tầm sống vào Việt Nam.
Theo Công ước Cites, muốn nhập khẩu cá tầm, đơn vị xuất khẩu phải có giấy phép của Cites nước sở tại cho phép xuất khẩu và đơn vị nhập khẩu phải được Cites nước nhập khẩu cho phép nhập khẩu, khi đó hàng mới được thông quan. Việc nhập lậu thông qua con đường tiểu ngạch cũng là lý do khó kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm mặt hàng này.
Có thể bạn quan tâm

Tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra từ nhiều năm qua và hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn nếu không có giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Bình Đại (Bến Tre), trong đó nghề nuôi tôm biển, nhất là hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Anh Bùi Phúc Hải, ở ấp 3 xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) là bộ đội xuất ngũ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà thiếu trước hụt sau. Sau khi tận mắt chứng kiến kết quả trồng đu đủ Thái Lan ruột vàng của ông Hai Thiều (ấp 5, xã Hòa Hội) anh học cách làm theo...