Prices / Mô hình kinh tế

Vườn Cây Ăn Trái Lái Thiêu, Một Định Danh Du Lịch Độc Đáo

Vườn Cây Ăn Trái Lái Thiêu, Một Định Danh Du Lịch Độc Đáo
Author: 
Publish date: Saturday. June 8th, 2013

Mùa trái chín… chưa xa

Lái Thiêu, vùng đất màu mỡ bên dòng sông Sài Gòn nức tiếng gần xa với những mùa trái chín trĩu quả đã trở thành một định danh du lịch độc đáo của Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu vì thế trở thành một định danh quen thuộc trong tâm tưởng nhiều người.

Đặc sắc vườn

Cũng như bao vùng trái cây nổi tiếng đất Việt, vườn Lái Thiêu được hình thành bởi những phù sa màu mỡ của con sông Sài Gòn thong dong uốn lượn đôi bờ. Con sông nằm đó, lặng lẽ và hiền hòa bao đời, đã bồi đắp, chắt lọc cho đất không biết bao nhiêu phù sa, để rồi từ trong thứ bùn đen đặc trưng ấy, những mầm xanh non mơn mởn của cây trái vươn lên góp ngọt cho đời. Theo nhiều tư liệu lịch sử để lại, vườn cây ăn trái Lái Thiêu đã nức tiếng từ thời Gia Long (1802- 1820) bởi nhiều loại trái cây ở đây được chọn vượt xa vạn lý để tiến vua.

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” được soạn trong thời gian từ 1864-1875, trái măng cụt Lái Thiêu đã được nhắc đến dưới cái tên “trái thổ lý” trong mục thổ sản của Biên Hòa (lúc đó Bình Dương là huyện Bình An của Biên Hòa). Hơn thế, trước đó khoảng ba, bốn chục năm, vua Minh Mạng (1820-1840) đã từng biết đến trái măng cụt và gọi là trái “giáng châu tử”.

Trước đây, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một là công viên, miệt vườn của đô thị Sài Gòn - Gia Định và đã đi vào ca dao: “Ghe anh nhỏ mũi trán lườn/ Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em....”. Màu xanh miệt vườn yên ả đó có thời đã đi vào thơ ca: “Anh về đất rộng Bình Dương / Trái cây... và lá con đường cỏ xanh...”. (“Anh về Bình Dương” - Bùi Giáng - 1959).

Câu thơ bình dị êm nhẹ và khoáng đãng kia của nhà thơ lãng du Bùi Giáng trong một lần ghé đến Bình Dương, đã mở ra một khoảng không thăm thẳm, miên man màu xanh miệt vườn... Vườn cây với nụ xanh, trái chín, kênh rạch giao nối sông ngòi, những sinh hoạt lâu đời thường nhật của nhà vườn ươm trồng chăm bón, rồi thu hái, người mua kẻ bán, khách thăm vườn, người thưởng thức trái ngon vị ngọt... đã tạo nên một không gian riêng, không gian “văn hóa miệt vườn”, nhất là vào những ngày mùa trái chín, ngây ngất mùi sầu riêng, nồng nàn mùa măng chín.

Cũng chính từ phong cảnh hữu tình, cây trái ngọt ngon ấy mà Lái Thiêu bao đời trở thành một định danh du lịch nổi tiếng. Hàng năm, vào mùa trái chín, hàng ngàn du khách nô nức rủ nhau tụ hội về đây. Khách thập phương đến đây được các chủ vườn tiếp đón nồng hậu, được vui đùa, thưởng thức trái thơm, quả ngọt ngay dưới những tán cây măng cụt xanh mát sừng sững trăm năm.

Đời ngọt từ những mùa trĩu quả

Ông Nguyễn Văn Dọi năm nay đã ngoài 50 và gắn bó với vườn cây ăn trái cha ông để lại từ thuở ấu thơ rưng rưng xúc động: “Tuổi thơ của chúng tôi là những tháng ngày tung tăng dưới những tán lá xanh mát chứ không phải trên những cánh đồng như những đứa trẻ khác. Những người con miệt vườn như chúng tôi lớn lên cùng với những gốc măng, gốc dâu. Cây trái ở vườn Lái Thiêu mùa mùa cho trái chín trĩu cành nuôi sống biết bao thế hệ gia đình gắn bó với vườn”.

Mỗi khi nhớ lại những ngày xưa, ông không thể quên được ngày 5-5 âm lịch, khi vườn trái cây vào mùa. Mùa trái chín vào thời kỳ cao điểm, những người con miệt vườn như ông Dọi mỗi khi leo lên những cây măng cụt hái trái, khi bước xuống phải rất rón rén để không giẫm đạp phải những trái măng cụt đang nằm nhan nhản dưới mặt đất.

Với những người con miệt vườn, trái ngọt đầu mùa họ không đem bán mà trân trọng dâng cúng cho ông bà, tổ tiên, những con người đầu tiên đã khơi mở những mùa trái chín ngọt ngào. Vào những ngày ấy, đường vào các nhà vườn đông nghẹt người tham quan. Khách từ mọi vùng miền hồ hởi vào các vườn cây. Các chủ vườn cũng rất hiếu khách, mở rộng lòng và rộng cửa vườn để đón tiếp những người khách phương xa. Ông Dọi tâm sự: “Vào những ngày tháng 5 (âm lịch) cách nay hơn 20 năm, vườn trái cây của gia đình tôi kín người, nhiều khi không còn chỗ cho khách ngồi, có khi đến 20 giờ vẫn chưa hết khách”.

Còn anh Nguyễn Văn Lương, ngụ tại xã Bình Nhâm thì không thể nào quên được những ngày hè của tuổi thơ mình dưới những tán cây măng cụt, sầu riêng xanh mát. Anh Lương chia sẻ, thích nhất là được ăn những trái cây đầu mùa, hương vị trái đầu mùa rất thơm, ngon. Anh cũng như bao bè bạn khác cùng trang lứa ở vườn Lái Thiêu được nuôi lớn lên, học hành đến nơi đến chốn cũng từ những mùa trĩu quả.

Nối tiếp những mùa vui

Trong một thời gian dài, do nhiều hạn chế khách quan, nhiều vườn cây ở Lái Thiêu già cỗi, cho năng suất kém nhưng không vì thế mà nhiều chủ vườn tâm huyết lại bỏ đi niềm tự hào của một vùng đất. Họ nỗ lực đầu tư phân bón, chữa trị cho vườn cây. Cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực, vườn cây ăn trái đang dần hồi sinh. Những vụ mùa gần đây, nhiều nhà vườn đã có năng suất tăng dần và giá cả cũng ổn định hơn. Những mùa trái chín đang dần trở về với những người con Lái Thiêu.

Một lão nông lâu năm gắn bó với vườn Lái Thiêu chia sẻ: “Lúc vườn khó khăn nhất, mất mùa ít trái tôi vẫn không hề có ý định bỏ đi vì đây là những tài sản vô giá mà cha ông để lại, phải cố gắng bám vườn. Những năm gần đây, cây trái lại cho quả ngọt, tuy chưa được bằng trước kia nhưng đó là một niềm an ủi với nhà vườn”. Ông Nguyễn Tấn Lộc, ngụ tại khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh chia sẻ, đã có lúc tưởng chừng như tôi không thể giữ nổi vườn măng cụt 8.000m2 của mình vì cây chết nhiều, nhưng nghĩ đó là những tài sản quý giá do ông bà, cha mẹ để lại nên cố gắng vượt qua khó khăn.

Mùa trái chín năm nay thực sự là một mùa vui nối tiếp mùa vui của những nhà vườn Lái Thiêu. Ngoài niềm vui được mùa, được trái giờ đây họ rộn niềm vui khi biết Lễ hội “Lái Thiêu - mùa trái chín” năm 2013 được tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc thù của Bình Dương, đặc biệt là trái cây vườn Lái Thiêu. Giờ đây những chủ vườn Lái Thiêu có thể hướng về những mùa trái chín mới với những hy vọng mới. Họ không chỉ kỳ vọng vào những mùa bội thu trái chín, mà xa hơn, họ còn mơ về những ngày nhộn nhịp khách du lịch thập phương lại tìm về vườn Lái Thiêu, một định danh du lịch, niềm tự hào của người Bình Dương.

Hiện nay, TX.Thuận An có 6 xã, phường nằm ven sông Sài Gòn với chiều dài hơn 10km từ phường Vĩnh Phú đến An Sơn với một hệ thống kênh rạch dài hơn 56.000m và diện tích vườn cây ăn trái là 1.238 ha. Từ lâu, TX.Thuận An đã nổi tiếng là nơi có khu vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng trong tuần và khá nhiều loại trái cây đặc sản với nhiều hương vị đã làm cho du khách nhớ mãi vườn cây ăn trái Lái Thiêu.


Related news

Hơn 200 Tấn Sầu Riêng Sắp Đến Ngày Thu Hoạch Phải Bỏ Đi Vì Gió Lốc Ở Bình Thuận Hơn 200 Tấn Sầu Riêng Sắp Đến Ngày Thu Hoạch Phải Bỏ Đi Vì Gió Lốc Ở Bình Thuận

Chiều ngày 6/5 vừa qua ở Bình Thuận, một trận lốc xoáy kèm theo mưa đã làm cho hàng chục héc ta diện tích cây ăn trái, trong đó chủ yếu là sầu riêng trên địa bàn thôn Rô Mô- xã Đa Kai, huyện Đức Linh bị thiệt hại nặng. Ước tính hàng trăm tấn sầu riêng đang chuẩn bị thu hoạch phải bỏ đi.

Saturday. June 8th, 2013
Nhiều Rủi Ro, Nông Dân Bỏ Nuôi Tôm Hùm? Nhiều Rủi Ro, Nông Dân Bỏ Nuôi Tôm Hùm?

Từng được xem là thế mạnh kinh tế đối với vùng ven biển Nam Trung bộ, vậy mà giờ đây, nhiều người lại không còn mặn mà với nghề nuôi tôm hùm.

Saturday. June 8th, 2013
Sa Pô Lên Ngôi, Nhà Vườn Tính Chuyện Lâu Dài Ở Tiền Giang Sa Pô Lên Ngôi, Nhà Vườn Tính Chuyện Lâu Dài Ở Tiền Giang

Trong những năm gần đây, chưa bao giờ giá sa pô giữ ở mức cao và kéo dài như năm nay. Hiện nay, giá sa pô đang có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn còn khá cao. Trước diễn biến này, nhiều nơi nông dân bắt đầu chọn cây sa pô để thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác.

Saturday. June 8th, 2013