Giá / Mô hình kinh tế

Vùng Nuôi Tôm Thắng Hải Đang “Kêu Cứu” Ở Bình Thuận

Vùng Nuôi Tôm Thắng Hải Đang “Kêu Cứu” Ở Bình Thuận
Tác giả: 
Ngày đăng: 05/04/2013

Hàng chục hộ dân của hai thôn Bàu Giêng và Thắng Hải, xã Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) đang gửi đơn kêu cứu, vì không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp. Với mức độ xả nước thải dày đặc từ những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có diện tích rộng từ 2.000 - 3.000 m2 nơi đây, nếu không có giải pháp xử lý, khả năng sẽ ngày càng ô nhiễm nặng đến nguồn nước sinh hoạt.

“Bức tử” lạch Bà Hoàng

Không thể tưởng tượng được mùi hôi thối nồng nặc từ nguồn nước đen kịt của lạch Bà Hoàng hắt lên - nơi có hàng chục hộ đang nuôi cá các loại bằng nguồn nước lợ lâu nay. Theo chân một cán bộ thôn đi dọc con lạch Bà Hoàng giữa cái nắng hè gay gắt, nước vẫn một màu đặc sánh tanh tưởi xộc thẳng vào mũi. Những ống nước thải vẫn liên tục hoạt động, “nhả” từng khối nước xanh đục đầy hóa chất xuống lạch, cứ thế trôi đi mang theo mùi hôi khiến không còn con cá nào sống sót. “Cách đây hơn một tuần, cá chết trắng lạch, kể cả các hồ nuôi tôm thiên nhiên cũng tiêu tan vì nước ô nhiễm nặng”, trưởng thôn Bàu Giêng đứng nhìn con lạch ô nhiễm, xót xa cho biết.

Thôn Thắng Hải và thôn Bàu Giêng lâu nay có 2 con lạch chính: Bà Hoàng và Đường Xuồng. Nguồn nước nơi đây chủ yếu là nước lợ, theo con nước biển lên xuống từng giờ. Nhờ đó, những người dân nghèo hằng ngày đi đặt lú bắt cá, hoặc đắp hồ nuôi tôm thiên nhiên để mưu sinh. Theo thống kê, có đến vài chục hộ dân sống nhờ vào hai con lạch này, thu nhập hàng ngày từ 100 - 200 nghìn đồng. “Trước đây, nguồn nước lạch Bà Hoàng và Đường Xuồng làm gì có chuyện ô nhiễm trầm trọng vậy, ngày nào nhà tôi cũng đặt lú bắt cá sáng đêm nên thu nhập cũng kha khá. Kết hợp với nuôi tôm thiên nhiên một năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Bây giờ thì hết rồi, từ ngày động Me Dương dày đặc hồ nuôi tôm công nghiệp, cũng là lúc người dân nghèo ở đây hết nguồn mưu sinh”, ông Tư Hùng, một trong những hộ dân đi bắt cá thường xuyên trên dòng nước này bức xúc.

Chủ hồ tôm thừa nhận xả thải

Có khoảng 10 hộ đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên khu vực động Me Dương thời điểm này, với vài chục hồ nhưng không thấy có hồ chứa nước thải. Mỗi hồ với diện tích rộng chừng 1 ha. Khi tiếp cận hồ, chúng tôi nghe tiếng máy xục khí vang lên ùng ục, bọt ở đây tạo thành từng mảng lớn màu đen. Không khí nặng mùi tanh ngai ngái. Để khắc phục tình trạng bọt đóng thành mảng, chủ các hồ tôm cho người dùng vợt vớt bọt đổ lên bờ càng bốc mùi hôi. Điều đáng nói, hầu hết các hồ tôm đều đặt ống cho thải trực tiếp ra hai con lạch Bà Hoàng và Đường Xuồng, trung bình hai ngày xả một lần.

“Kinh khủng nhất là thời điểm xúc hồ, bao nhiêu nước bẩn cũng đều đổ xuống lạch, khiến dòng nước đặc quánh một màu đen càng bốc mùi nặng hơn”, Trưởng thôn Bàu Giêng, ông Bùi Đình Hùng cho hay. Được biết, khu vực động Me Dương đa phần là đất dự án “treo” lâu năm với hàng chục ha, trong đó có một số đất rừng sản xuất, không thuộc đất quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Thấy việc nuôi tôm thẻ chân trắng có hiệu quả, nhiều hộ dân từ Bình Định, thị xã La Gi đổ xô lên thuê đất đầu tư múc hồ nuôi tôm một cách tự phát gần một năm nay.

Trước việc cá chết hàng loạt, ngày 21/3 vừa rồi, Ban điều hành thôn Bàu Giêng, xã Thắng Hải đã đến kiểm tra tình trạng xả thải của các chủ hồ tôm ở động Me Dương. Tại đây đã phát hiện một số hộ nuôi tôm xả nước thẳng ra lạch Bà Hoàng mà không qua hệ thống xử lý nước thải và đã lập biên bản. Chủ hộ nuôi tôm Hoàng Xuân Đình đã thừa nhận có xả thải trực tiếp ra lạch Đường Xuồng. Tuy nhiên theo chủ các hồ tôm khác thì việc nước ở lạch Bà Hoàng bị ô nhiễm không chỉ do các hồ ở Thắng Hải mà còn do các hồ nuôi tôm ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thắng nằm trên thượng nguồn góp phần gây ra.

Ông Lê Sanh, Chủ tịch xã Thắng Hải: Khu vực mà người dân đang nuôi tôm hiện nay phần lớn nằm trong quy hoạch đất đã giao cho Khu du lịch Đồng Phú Hưng. Trước đây, khu vực này nằm trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng sau này chuyển sang quy hoạch phát triển du lịch. Về nguyên tắc, người dân tiến hành nuôi tôm trên đất quy hoạch du lịch là không đúng. Trước phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm ở khu vực này, UBND xã đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước. Hiện nay, chúng tôi đang xin ý kiến chỉ đạo của huyện. Khi có văn bản trả lời, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo quy định.


Có thể bạn quan tâm

Vườn Cây Ăn Trái Cho Thu Nhập 200 - 300 Triệu Đồng/ha/năm Vườn Cây Ăn Trái Cho Thu Nhập 200 - 300 Triệu Đồng/ha/năm

Đến nay, diện tích vườn đạt 18.538ha, trong đó vườn chuyên canh chiếm 14.312ha, vườn không chuyên 4.121ha, dừa 450ha, vườn tạp chỉ còn 105ha. Những tháng đầu năm sản lượng đã đạt 195.645 tấn, giá một số trái cây như sầu riêng, bưởi da xanh, vú sữa, sa pô… ổn định ở mức cao.

05/04/2013
Tìm Giải Pháp Tiết Kiệm Năng Lượng Cho Vùng Nuôi Tôm Cao Triều Tìm Giải Pháp Tiết Kiệm Năng Lượng Cho Vùng Nuôi Tôm Cao Triều

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm khá lớn và chiếm tỷ lệ cao so với các địa phương khác trong cả nước. Trong khi đó, các hồ nuôi tôm chủ yếu đều sử dụng động cơ điện và tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Carbon Trust (Anh Quốc), Sở Công thương đã triển khai dự án "Tăng cường năng lực về lập kế hoạch năng lượng bền vững ở miền Trung" (CESEP) tại vùng nuôi tôm cao triều xã Quảng Công (Quảng Điền).

05/04/2013
Phổ Biến 2 Biện Pháp Kỹ Thuật Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lúa Phổ Biến 2 Biện Pháp Kỹ Thuật Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lúa

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phổ biến rộng rãi hai biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật - “gieo sạ đồng loạt, né rầy” và “gieo mạ mùng”.

05/04/2013