Vừa Xuống Giống Vừa Phập Phồng
Vụ lúa hè thu chính vụ ở khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang bắt đầu xuống giống, song trước áp lực thời tiết, giá cả khiến nông dân phập phồng, lo lắng...
NỖI LO THỜI TIẾT
Những ngày qua, dọc Quốc lộ 50, Tỉnh lộ 877, người dân đang hối hả bơm nước cho những ruộng mạ vừa lên xanh hoặc làm đất, xuống giống. Vừa làm nông dân vừa ngước lên trời cầu mưa, vừa nghe ngóng giá lúa, rồi dự đoán… Với 3,5 công ruộng đã xuống giống 1 tuần, anh Lê Văn Út, ấp An Ninh (Vĩnh Hựu, Gò Công Tây) cho biết, mọi năm vào thời điểm này mưa nhiều, phần lớn các diện tích sản xuất lúa trong khu vực đều đã xuống giống.
Năm nay, mưa muộn, lượng mưa ít, nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu dựa vào cống Xuân Hòa nên có phần khó khăn hơn. Từ đó, thời điểm xuống giống cũng muộn hơn so với mọi khi. Anh Dương Văn Thích ở cùng ấp, cho biết thêm: “Đầu vụ mưa ít trong khi chất lượng nước kinh chưa được tốt, lúa phát triển cũng chậm hơn. Một số khu vực xa kinh trục nông dân phải bơm chuyền, chi phí sản xuất tăng lên”.
Tại Gò Công Đông, nông dân cũng đang tất bật xuống giống cho kịp lịch thời vụ. Anh Lê Ngọc Phương, ấp Hiệp Trị (Phước Trung, Gò Công Đông) đang san bằng mặt ruộng cho kịp xuống giống 1,7 ha. Anh cho biết, thời gian qua mưa ít, nắng nóng, nước sản xuất có phần khó khăn hơn năm rồi. Dù vậy, để tuân thủ lịch thời vụ của ngành chức năng đưa ra, hầu hết các diện tích khu vực này đều làm đất, đang chuẩn bị xuống giống. Để đảm bảo cho vụ lúa đông xuân năm sau không bị hạn, anh phải sử dụng lúa ngắn ngày trong vụ này.
Anh Nguyễn Văn Đạt (Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông) cho biết, dù có một số khăn do lượng mưa ít nhưng nhìn chung việc xuống giống theo lịch thời vụ vẫn đảm bảo (tức là kết thúc vào ngày 25/5). Cơ cấu giống lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm đến 95% giống lúa sản xuất trên toàn huyện, trong đó chủ yếu là OM 4900, OM 2717, OM 2517, Nàng Hoa 9…
Tuy nhiên, theo anh Đạt, ngoài khó khăn về nước sản xuất vào đầu vụ, vụ hè thu chính vụ còn đối mặt với những bất lợi khác như hạn vào giữa vụ; mưa nhiều, độ ẩm cao dẫn đến sâu bệnh (rầy, bệnh đốm vằn…) có điều kiện phát triển; rồi cuối vụ thường xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão làm cho lúa bị đổ ngã dẫn đến giảm năng suất. Ngoài ra, khi thu hoạch gặp mưa, chất lượng lúa giảm, thương lái có điều kiện ép giá.
ĐẦU VÀO NHÍCH LÊN, ĐẦU RA KHÔNG BIẾT THẾ NÀO
Bên cạnh khó khăn về thời tiết, diễn biến giá lúa theo hướng bất lợi cho người sản xuất trong những ngày qua khiến người dân khu vực phía Đông của tỉnh bước vào vụ lúa quan trọng thứ 2 của năm trong tâm trạng may nhờ, rủi chịu.
Theo các nông dân, mọi khi kết thúc thu hoạch vụ đông xuân đến đầu vụ lúa hè thu chính vụ, giá lúa thường có xu hướng nhích lên. Nhưng đến thời điểm này, lúa đông xuân trong dân còn chưa bán hết, lúa hè thu sớm ở khu vực phía Tây của tỉnh lại bắt đầu cho thu hoạch, giá lúa tiếp tục có xu hướng giảm.
Với tình hình này, khi lúa hè thu chính vụ vào thời điểm thu hoạch (vụ lúa quan trọng ở ĐBSCL), khả năng giá lúa sẽ còn xuống thấp nữa. Anh Nguyễn Văn Phi, ấp Hòa Lợi Tiểu (Bình Ninh, Chợ Gạo), dẫn chứng thêm: Năm rồi mấy người trữ lúa đông xuân chờ thời điểm này tung ra bán được giá nên trúng lớn. Năm nay, giá lúa thế này, họ “méo mặt” luôn.
Còn người mới xuống giống cũng luôn trong tâm trạng lo lắng không kém. “Xuất khẩu gạo không mấy khả quan; vì thế, giá lúa khó thể tốt hơn trong thời gian tới. Trồng lúa bây giờ khó khăn lắm mấy anh ơi! Dù biết khó lời, thậm chí lỗ nhưng vẫn phải làm. Bởi, ngoài cây lúa ra, tôi chưa biết trồng cây gì hiệu quả hơn. Mới đây, tôi đã chuyển đổi 8 công lúa sang trồng thanh long nhưng lại nghe đài nói, thanh long đang có nguy cơ dư thừa” - anh Thích bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây cho biết, thời tiết vào đầu vụ hè thu chính vụ năm nay khó khăn hơn năm rồi. Một số khu vực xa kinh trục gặp khó khăn về nước dẫn đến xuống giống muộn. Vì thế, ngành Nông nghiệp vận động người dân sản xuất các giống ngắn ngày ở những khu vực xuống giống quá muộn. Đó là chưa nói đến thời điểm này, rầy nâu, bệnh trên lúa có điều kiện phát triển mạnh, rồi chất lượng lúa dễ bị ảnh hưởng khi thu hoạch gặp mưa, độ ẩm cao, thương lái có cơ hội ép giá hơn...
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của nỗi lo. Nỗi lo khác ảnh hưởng đến tâm lý bất an trong nông dân là giá cả đầu vào và đầu ra. Giá phân đã bắt đầu biến động, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng vừa nhích lên dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên. Trong khi đó, hiện nay giá lúa đang thấp và chưa có dấu hiệu tăng nên nông dân rất lo lắng.
“Giá lúa chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Nếu xuất khẩu lúa đang gặp khó khăn dù Nhà nước triển khai thu mua lúa tạm trữ thì cũng không tăng bao nhiêu. Dù chịu nhiều sức ép nhưng nông dân đã trồng lúa thì vẫn tiếp tục xuống giống; bởi thực tế, họ chưa tìm được cây gì thay thế hiệu quả, ổn định ở vùng ngọt hóa này. Vì thế, dù khó khăn cách mấy, nông dân vẫn trồng lúa” - ông Hùng nói.
Related news
Hơn 1 tháng nay, người trồng mít Thái siêu sớm ở các vùng trọng điểm chuyên canh mít của tỉnh Tiền Giang như: Cái Bè, Cai Lậy đứng ngồi không yên vì loại mít này bất ngờ tuột giá mạnh.
Sau khi học tập kinh nghiệm và tiếp nhận quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ tại Bình Định, kỹ sư Lưu Quốc Thắng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã ứng dụng cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá này ở Phú Yên.
Nuôi thả các loài cá truyền thống như trôi, chép, mè nhưng nhờ thay đổi phương pháp chăm sóc theo hướng an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thí điểm tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất với quy mô 2 ha.